Tể tướng Nguyễn Khản với bút tích tại Đền Và - Hà Tây
HNTĐ
Nguyễn Khản là bậc đại thần thời kỳ Vua Lê - Chúa Trịnh và được Chúa Trịnh Sâm hết mực yêu thương, là người Cầm - kỳ - thi - hoạ. Nguyễn Khản sinh năm Giáp Dần (1734) tại Tiên Điền - Nghi Xuân - Hà Tĩnh . Ông là con đầu của Xuân quận công Nguyễn Nghiễm và là anh trai Đại thi hào guyễn Du.
Bút tích tại Đền Và - Hà Tây
Năm Canh Thìn (1760) ông thi đỗ Tiến sĩ. Vì học giỏi nên được sung chức thị giảng ở Lạng quốc phủ dạy học cho thế tử Trịnh Sâm. Sau khi chúa Trịnh Doanh mất (1767), Trịnh Sâm nối ngôi ông được cử làm Trì bình phiên sau thăng Tri bộ phiên; Đại học sĩ kiêm Tế tửu Quốc Tử giám. Năm Quý Mão (1783), ông giữ chức nhập thị tham tụng (Tể tướng). Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784), kiêu binh nổi loạn đốt cháy dinh thự của ông tại phường Bích Câu, Nguyễn Khản phải chạy lên Sơn Tây ẩn náu.
Theo Xuân Tiên Nguyễn gia thế phả chép: “…Nguyễn Khản là người đầu tiên của trấn và họ Nguyễn được tiết phong công thần”. Ông có ảnh hưởng rất lớn trong việc học hành, văn nghiệp của Đại thi hào Nguyễn Du. Do nhiều yếu tố nên số lượng các tác phẩm thơ văn của dòng họ Nguyễn - Tiên Điền nói chung, Nguyễn Khản nói riêng vẫn chưa sưu tầm được nhiều. Những năm tháng ở Sơn Tây, Nguyễn Khản đã để lại bút tích của mình qua bài thơ Nôm được khắc trên biển gỗ tại đền Và (Sơn Tây) với phần dịch nghĩa (lời dẫn bằng chữ Hán) và phiên âm (chữ Nôm) :
“Khản tôi, từ năm Canh Thìn nhập sỹ, làm Đốc đồng Sơn Tây. Qua hai kỳ khảo xét công trạng, năm Đinh Dậu phụng mệnh trấn giữ hai trấn Sơn Tây – Hưng Hoá, chẳng bao lâu thì vì có việc mà bị giải nhậm. Nay nhờ Vương thượng nối theo nghiệp sáng mà lại làm việc ở trấn. Bấy giờ có đến lễ ở chấn cung ba lần, ngẫu hứng mà làm một bài thơ luật vụng về, viết lên biển gỗ để tỏ ý kính trọng.
Thơ rằng:
Cây làm tản cái, đá làm ngai,
Vòi vọi thần cung rạng Đẩu, Thai
Bảo triện đùn đùn mây nhiễu khám,
Ngọc hào rỡ rỡ ráng in đài.
“Rồng oanh hùm trạm” thiêng ngôi đất,
Đà phẳng Lô trong vững bác trời.
Chiêm bái trót từng ba độ đến,
Trộm nhờ linh đức trấn phương Đoài.
Vào tiết Thanh minh năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (1783), Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản, người xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Tiến sỹ khoa Canh Thìn (1760), Tả tư giang, Lại bộ Thượng thư, Phụng sai trấn thủ Sơn Tây, kính đề”. (Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện phiên âm và dịch nghĩa).
Cuối năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Khản ra Bắc giúp chúa Trịnh chống Tây Sơn nhưng việc không thành. Ông mất trong năm đó, thọ 52 tuổi.
Việc phát hiện bút tích của Nguyễn Khản tại đền Và đã giúp chúng ta hiểu hơn lịch sử của nước ta nửa cuối thế kỷ 18, về thời gian ông với Sơn Tây, sự nghiệp thơ văn của ông cũng như truyền thống văn chương của dòng họ Nguyễn – Tiên Điền.
VĂN THÀNH
Nguồn: http://www.nguyendu.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tầm vóc Đại thi hào Nguyễn Du
Nguyễn Du đã trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt... -
Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian
Tưởng nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là một con người được sinh ra như sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta; đồng thời cũng là một con người góp phần làm... -
Nguyễn Du: Một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn
Sinh thời Nguyễn Du từng tự hỏi không biết ba trăm năm sau có ai người tri kỷ vì mình mà nhỏ nước mắt không. Từ đó đến nay chưa đến ba trăm năm. Nhưng những người có thể gọi là tri kỷ của nhà thơ, những người hiếu rõ những đau xót, căm giận, ước mơ và cả những băn khoăn bế tắc của... -
Ảnh hưởng của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều Đối với Đại thi hào Nguyễn Du
Tại làng Xuân Trì, tổng Yên Ấp xưa, nay là xóm Quán, xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là nơi còn lưu giữ Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Điền nhạc hầu Nguyễn Điều – Người đã có ảnh hưởng lớn đến nhân cách đối với Đại thi hào Nguyễn Du.