Truyện Kiều đối với ngôn ngữ và văn hoá dân tộc
HNTĐ
Khi nhìn lại những công trình kiến trúc văn hóa, những tác phẩm nghệ thuật trở thành kiệt tác, vượt qua thời gian và không gian, đi vào cõi bất tử, ta thấy chúng có những đặc điểm: giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc, biểu trưng cho tinh thần thời đại, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, tiêu biểu cho tình cảm, ước vọng của nhân dân, được nhân dân tiếp nhận… Có thể xem những kỳ quan thế giới, các tác phẩm văn học như: Iliat & Ôđixê (Hômer), HămLét (Sexpia), Đôn Kihôtê (Xenvantec)… là những tác phẩm mang những đặc trưng trên, sống mãi trong kho tàng văn hóa nhân loại.
Một thư tịch Truyện Kiều cổ được lưu giữ tại Khu tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du
xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ở Việt Nam, đã hơn 200 năm đã trôi qua kể từ ngày truyện Kiều của Nguyễn Du ra đời. Thử hỏi có tác phẩm nào ở nước ta được bàn luận, đánh giá nhiều như truyện Kiều, có tác phẩm nào có sức sống lâu bền, đi vào ngôn ngữ và sinh hoạt văn hóa quảng đại hơn Truyện Kiều? Chắc chắn người ta dễ dàng trả lời thống nhất câu hỏi này. Vì sao truyện Kiều có sức sống kỳ lạ này?
Truyện Kiều hấp dẫn, thu hút người đời bởi trước hết đây là một câu chuyện tình đầy éo le và cảm động, nói lên được nỗi đau về thân phận của con người trong xã hội cũ. Tình yêu của “giống hữu tình” là vấn đề muôn thuở của con người, vừa là hiện thực, vừa là khát vọng ở đời. Tình yêu luôn luôn có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống, nhưng trong sáng tác văn học có những thời kỳ (chẳng hạn như trong văn học trung đại) do nhiều lí do khác nhau, đề tài tình yêu nam nữ có khi bị cấm đoán hoặc hầu như ít được nói tới, có chăng cũng rất dè dặt, kín đáo. Với truyện Kiều, lần đầu tiên tình yêu được tuyên ngôn một cách tự do, phóng khoáng (Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song). Đó là tình yêu của đôi trai tài gái sắc tự nguyện đến với nhau đầy lãng mạn, thơ mộng (Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa). Nhưng tình yêu của Kim – Kiều ngay từ đầu đã dự báo đầy những éo le, trắc trở như một định mệnh. Điều này đã tác động đến tâm lý của người đọc. Lòng thương cảm của người đời đối với cô Kiều – vốn là một nhân vật văn học – gần như đối với con người có thực. Nàng Kiều có tài, có sắc mà phải chịu bao tai oan, nghiệp chướng; câu chuyện mang màu sắc li kì như trong cổ tích (Tấm Cám, Thạch Sanh…) hay chuyện thơ Nôm (Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa…) mà người dân thường hay kể. Dù trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mượn cốt truyện ở Trung Quốc nhưng ông đã Việt hóa đến độ sâu sắc, đã thổi vào trong đó tình cảm, tâm sự của riêng mình với một sự đồng điệu hóa thân hiếm có. Người ta cảm giác nhân vật Kiều – với bao nỗi niềm tâm sự xót xa, chồng chất đắng cay, lưu lạc bơ vơ trong thời nhiễu nhương tao loạn ấy – vừa như ở “trên đời sống”, vừa như ở “trong đời sống” thường nhật của chúng ta.
Bìa Truyện Kiều, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Điều hấp dẫn, thu hút của Truyện Kiều ở mọi thời chưa hẳn là những lý thuyết mà cụ Nguyễn đã phát biểu một cách hiển ngôn, như: Tài mệnh tương đố, bỉ sắc tư phong, hồng nhan bạc mệnh, chữ tài gắn với chữ tai… (Ta có cảm giác có lẽ cụ trông thấy nhiều điều “đau đớn lòng” hàng ngày mà bất lực, đành kêu trời hay đổ cho số mệnh). Điều hấp dẫn của Truyện Kiều là ở mối tình “vượt rào” táo bạo, đầy lãng mạn nhưng cũng đầy trắc trở, éo le của Thúy Kiều – Kim Trọng, là nỗi đau thân phận con người (kiếp người mong manh, không có công lí bảo vệ) trong xã hội cũ. “Đời Kiều là một tấm gương oan khổ, một câu chuyện thê thảm về vận mệnh của con người trong xã hội cũ” (Hoài Thanh). Phải chăng đây là một trong những lí do mà người đời sau tìm đến Kiều, theo dõi đồng cảm, chia sẻ với Kiều trên mỗi bước đường trong mười lăm năm lưu lạc của nàng. Bởi thế nên “dù xã hội có dựng lên những hàng rào tôn ti, giai cấp, quyền lợi, thành kiến thì mọi thứ chia cắt kia chẳng có cách nào ngăn chặn được nỗi khát khao của một kiếp người là nhìn thấy hạnh phúc, đau khổ, vui buồn, mong nhớ của mình chắp đôi cánh thi ca” (Phan Ngọc).
Cảnh ngày xuân.
Với người dân, trong lao động, trong sinh hoạt hàng ngày, người ta thường có thú vui kể chuyện, nói tếu và hát hò. Truyện Kiều, với tư cách là một truyện kể có nhiều tình tiết hấp dẫn như vậy, hiển nhiên được dân gian đón nhận. Lúc đầu, Truyện Kiều có lẽ là do những người có học đọc, kể, ngâm, vịnh, sau đó nó bắt đầu có một cuộc sống riêng, lưu truyền trong dân gian. Con đường đi của Truyện Kiều cũng như nhiều truyện khác (Lục Vân Tiên, các truyện Nôm khuyết danh…), nhưng không một tác phẩm nào có được sự “dân gian hóa” cao như tác phẩm của cụ Nguyễn Du.
Truyện Kiều có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc, có sự dân gian hóa cao độ như vậy, là vì Nguyễn Du đã dụng công sáng tạo ra một hệ thống từ ngữ định danh các hiện tượng nhân thế, khắc họa chân dung các nhân vật trong tác phẩm của mình.
Cảnh báo ân, báo oán trong Truyện Kiều.
Với các hiện tượng nhân thế, chỉ bằng một vài từ, nhà thơ đã khái quát hoá bản chất của hiện tượng thông qua việc dùng từ ngữ rất sáng tạo và sâu sắc. Về con người, Nguyễn Du cho rằng đây là “giống hữu tình” (Cho hay là giống hữu tình/ Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong). Một định danh tưởng không có từ ngữ nào “đích đáng” hơn. Khi lưu lạc, bán mình chuộc cha, Kiều được Tú Bà dạy: Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. Đều là nghề nghiệp trong nhà/ Đủ ngần ấy nết mới là người soi. Con người hiểu biết, thông thạo việc được Nguyễn Du mạnh bạo tạo ra từ mới: người soi. Nói đến cái ghen, trong đời sống thường nhật, “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”, nhưng gọi tên cái con người ghen, cái tính ghen lạ đời và thâm hiểm như Hoạn Thư thì nhà thơ dùng một kết hợp rất lạ: “nhà ghen” (Bây giờ mới rõ tăm hơi. Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen!). Đây đúng như Trần Đình Sử đã nhận xét: Nguyễn Du đã phát hiện được các quy luật ẩn kín của tiếng Việt để giải cấu trúc ngôn từ thực dụng và tái cấu trúc những biểu đạt mới, “đập vỡ” cấu trúc ngôn ngữ hàng ngày để tạo thành ngôn ngữ nghệ thuật (6; tr. 312).
Cảnh đoàn viên – Kiều gảy đàn cho Kim Trọng nghe.
Với các nhân vật, các nhà văn, chỉ cần xây dựng được một kiểu nhân vật “thành danh” đã là tài, kiểu như Đônkihôte của Xenvantex, AQ của Lỗ Tấn, Tào Tháo của La Quán Trung và ở Việt Nam là Chí Phèo của Nam Cao… Thế nhưng ở Truyện Kiều, nhà thơ lại định danh được hàng loạt các nhân vật của mình bằng một số ngôn từ có tính chất “dán nhãn”, thì đó quả thật là kì tài. Chúng ta biết rằng, các nhân vật trong truyện Kiều là một hệ thống với đủ hạng, đủ lớp người như là một xã hội thu nhỏ. Thế mà Nguyễn Du chỉ bằng một vài từ ngữ đã tóm gọn cái thần thái, chỉ mặt đặt tên bản tính của từng người. Với Mã Giám Sinh, qua cách dùng các đại từ “gã”, “đứa” (Chẳng ngờ gã Mã Giám sinh/ Vẫn là một đứa phong tình đã quen) hay dùng động từ “tót” miêu tả thái độ (Ghế trên ngồi tót sỗ sàng), Nguyễn Du đã lột tả cái bản tính con buôn của nhân vật này chuyên “ kiếm ăn miền nguyệt hoa”, chung lưng với mụ Tú bà, đây quả là “Mạt cưa mướp đắng, đôi bên một phường”. Về Sở Khanh, với cách xuất hiện “lẻn” (Đẩy song đã thấy Sở Khanh lẻn vào) thì đây đúng là hành vi gian xảo, kẻ mà Nguyễn Du đã chỉ thẳng vào “mặt mo” của hắn (Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào)… Đó là các nhân vật phản diện, còn với các nhân vật mà Nguyễn Du yêu thương, trân trọng, như: Thuý Kiều, Kim Trọng, Từ Hải, nhà thơ dùng những mĩ từ trong và đẹp như ngọc để viết về họ. Với Kiều: Làn thu thuỷ, nét xuân sơn/ Thông minh vốn sẵn tính trời...). Với Kim Trọng: Nền phú hậu,bậc tài danh/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa… Với Từ Hải: Đường đường một đấng anh hào. Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài… Quả là “Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười”. Đó là chưa nói đến hệ thống từ ngữ tả cảnh, tả tình trong hàng nghìn câu thơ khác của Truyện Kiều, được ví như là “thiên thu tuyệt diệu từ”. Xuân Diệu nhận xét: “Vào đến thế giới của các từ, của từng từ một, nó là từng viên gạch một, nó là mỗi tế bào của tác phẩm thơ, càng thấy Nguyễn Du là một ông thầy của ngôn ngữ, là một phù thuỷ của ngôn từ” (2; tr.44).
Sự định danh mang tính “dán nhãn” như vậy trong truyện Kiều đã làm cho các nhân vật của Kiều sống động, đi vào dân gian như những thành ngữ so sánh. Ngay cô Kiều cũng đã có nhiều thành ngữ: đẹp như Kiều, tài như Kiều, yêu như Kiều, tình như Kiều, khổ như Kiều… Rồi các nhân vật khác: hào hoa như Kim Trọng, anh hùng như Từ Hải, mưu mô như Hồ Tôn Hiến, ghen như Hoạn Thư, lừa lọc như Sở Khanh, bạc nhược như Thúc Sinh… Chúng đã trở thành những câu cửa miệng của người đời khi cần nói về từng cảnh ngộ. Điều đó nói lên tài năng của cụ trong việc khắc họa, cá biệt hóa nhân vật. Và như vậy, Truyện Kiều không chỉ chiếm lĩnh ở vị trí đỉnh cao về nghệ thuật sử dụng tiếng Việt mà còn có vai trò hiếm có trong việc đóng góp vào kho tàng từ vựng tiếng Việt một hệ thống từ ngữ mới (bao gồm các từ, thành ngữ, quán ngữ; các hình ảnh biểu trưng mang mà sắc tu từ) làm phong phú thêm cách diễn đạt của tiếng Việt.
Quả vậy, sức sống mãnh liệt của Truyện Kiều, sự ảnh hưởng to lớn của Kiều còn chính là ở điểm này: nó không chỉ thành “Tiếng thương như tiếng mẹ ru” (Tố Hữu) mà còn đi vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của mọi người dân. Quả thật, có rất nhiều câu thơ trong Kiều lại được vận dụng trong rất nhiều hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Về tình yêu, người ta có thể lấy Kiều để nói hộ, bày tỏ rất hợp tình hợp cảnh. Chẳng hạn, hai người mới gặp nhau, có thể mượn câu Kiều để nói hộ: Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không. Khi tình cảm nồng nàn: Lạ cho cái sóng khuynh thành/ Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi. Bàn tính chuyện hôn nhân: Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Căn dặn người mình yêu: Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời… Về thế thái nhân tình, có rất nhiều câu Kiều có thể vận dụng đắc ý. Chẳng hạn, triết lí về cuộc đời: Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/ Bỉ sắc tư phong/ Chữ tài liền với chữ tai một vần, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài… Về đồng tiền: Trong tay đã sẵn đồng tiền/ Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì. Về sự khen chê: Khen cho con mắt tinh đời/ Được lời như cởi tấm lòng/ Một đời được mấy anh hùng/ Những phường giá áo túi cơm sá gì… Và nhiều sự khác: Phép công là trọng niềm tây sá gì/ Ngày vui ngắn chẳng tày gang/ Hoa tàn mà lại thêm tươi…
Chúng ta biết rằng, trong nói năng hàng ngày, người ta thường hay “mượn lời”: mượn thành ngữ, tục ngữ, ca dao, châm ngôn, điển tích xen vào trong câu nói để cho câu nói có thêm sức nặng, diển tả hộ được suy nghĩ và thêm phần ý vị. Đó là lẽ thường. Sự mượn lời đó phải là loại ngôn từ đã thành “kinh điển”. Và như ta đã thấy, truyện Kiều cũng đã được nhân dân “mượn”, thành hiện tượng “mượn Kiều” rất phổ biến, độc đáo. Truyện Kiều, nói đúng ra là trong ngôn ngữ Truyện Kiều, nhiều câu có thể tách khỏi văn bản, dùng trong các hoàn cảnh khác, mang một đời sống thứ hai độc lập. Vì sao có hiện tượng độc đáo này? Chúng tôi cho rằng, sở dĩ truyện Kiều có một sức sống trường tồn như vậy, có ảnh hưởng và đóng góp vào kho tàng tiếng Việt như vậy, trước hết, trong tổng số 3.254 câu Kiều, có thể nói phần lớn các câu đều hay, hay trong việc tả cảnh, tả tình, tả người. Nhiều câu thơ đã đạt đến một độ rất sâu về tính khái quát, triết lí. Đó là kết tinh của sự trải nghiệm, suy ngẫm của Nguyễn Du về cuộc đời, một cuộc đời tuy có lúc “xiêm áo vàng son” nhưng cũng không thiếu phần gió bụi, lại gần gũi với người dân “ăn lộc bà con làng cày”… nên những câu thơ của cụ trở thành gan ruột, dễ dàng đi vào quần chúng. Thứ nữa, nhiều câu Kiều không chỉ phù hợp trong mạch liên kết chung của văn bản Truyện Kiều, chúng còn vươn ra ngoài khuôn khổ văn bản đó, để vận dụng trong các ngữ cảnh khác, như một số trường hợp đã dẫn ở trên, vì chúng đã nêu lên được cái “hằng thường” trong cuộc đời, thậm chí, nhiều câu có thể xếp vào bậc “kinh điển”. Giá trị của Kiều, ngôn ngữ của Kiều cũng đã tạo ra một thang giá trị mới, một hệ quy chiếu mở trong ứng xử, đánh giá và sinh hoạt xã hội (Làm trai biết đánh tổ tôm/ Uống chè Chính Thái xem nôm Thúy Kiều).
Truyện Kiều đã đi vào đời sống, gây nên một sự xao động mạnh mẽ, có ảnh hưởng to lớn vào đời sống tâm hồn dân tộc, trở thành nếp sinh hoạt văn hóa lành mạnh của mọi tầng lớp, từ bậc mũ cao áo dài nơi thành thị đến người dân quê nơi làng thôn bản quán. Có thể nói, Truyện Kiều đã tạo ra một “hiệu ứng” chưa từng có trong văn đàn và văn hóa nước ta, nhất là những năm đầu của thế kỉ, có thể gọi là hệ văn hóa truyện Kiều. Đó là những sinh hoạt tiêu biểu như: vịnh Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều… Dưới đây, chúng tôi chỉ chú trọng lý giải hai hiện tượng tiêu biểu là vịnh Kiều và bói Kiều.
Trước đây, các bậc túc nho thường có thú ngâm vịnh thi phú bên bầu rượu, chén trà, lúc thưởng hoa ngắm nguyệt, lấy đó làm thú chơi tao nhã. Vịnh Kiều chính là thú chơi làm thơ ngâm vịnh, lấy những tình huống, cảnh ngộ, nhân vật trong Kiều làm điểm tựa để từ đó bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc, bình giá có liên hệ đến thực tại. Nó trở thành hình thức xướng họa, ngâm ngợi rất được ưa chuộng từ trước tới nay ở nước ta. Theo Phạm Đan Quế (2000) và Trần Đình Sử (2002), bài Đề từ của Phạm Quý Thích (1759- 1825) được xem là bài vịnh Kiều đầu tiên, mở đầu cho không biết bao nhiêu bài vịnh sau này (Hà Tôn Quyền: 45 bài, Nguyễn Văn Chi: 30 bài, Chu Mạnh Trinh: 23 bài, rồi vua Tự Đức, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Đà… mỗi người có một hai bài). Việc vịnh Kiều nhiều đến nỗi, cụ Ngô Đức Kế phải thốt lên: “Trong nhà, ngoài đường, trên trời, dưới đất, đâu đâu cũng Kiều. Cứ xem hiện trạng ấy thì nước Việt Nam ngày nay gọi là: Kim Vân Kiều quốc, nói giống Việt Nam gọi là Kim Vân Kiều tộc, cũng đúng lắm chứ sai đâu!”.
Từ những năm 30 lại nay cũng đã có hàng trăm bài vịnh Kiều. Các nhà thơ bây giờ thường lấy cái ý, cái tứ thơ trong Kiều để liên hệ với thời hiện tại. Tố Hữu khi nói về đất nước tươi đẹp hôm nay lại bồi hồi nhớ nghĩ về quá khứ, và người đầu tiên nhắc đến là cụ Nguyễn: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều. Hoặc: Trải qua một cuộc bể dâu/ Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình. Cảm hứng những năm cả dân tộc cùng ra chiến hào đánh Mỹ, Chế Lan Viên cũng “Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ” (tên một bài thơ) để như có Kiều trong hành trang của người lính ra trận. Khi đất nước thống nhất, nhà thơ lại liên tưởng đến cảnh đoàn viên trong Kiều: Người đoàn viên mà dân tộc cũng đoàn viên/ Lẽ nào cùng quyển Kiều thương cảm ấy/ Anh lật phía bên này, tôi lật phía bên kia. Hoặc: Ta cách nhau một tiếng nấc, một thôi đường/ Xưa Nguyễn khóc thì nay ta đã hát/ Nhưng truyện Kiều cứ để nguyên không cần lau nước mắt/ Đời đang vui đời sẽ viết thêm trang…
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao trong các sinh hoạt văn hóa hay các sáng tác ấy, Truyện Kiều lại trở thành điểm tựa, thành nguồn cảm hứng có sức cuốn hút mạnh mẽ nhường ấy? Cụ Huỳnh Thúc Kháng lí giải: “Văn ông Nguyễn Du tả Truyện Kiều trau lời, rèn điển, thêu gấm chạm hoa, rõ là một nhà mỹ thuật biệt tài, nên làm người mê” (4; tr.97). Cũng còn có thể có nhiều cách lí giải khác nữa, nhưng theo chúng tôi, sở dĩ Truyện Kiều trở thành một đề tài ngâm vịnh, bởi Nguyễn Du đã đưa vào trong tác phẩm của mình nhiều cảnh ngộ, nhiều tình huống đặc sắc, có tính điển hình, giàu kịch tính, giàu tâm trạng… Nếu tách các cảnh ấy, mỗi cảnh sẽ thành một đề tài có khả năng khơi gợi, liên tưởng rất phù hợp với thể tài ngâm vịnh. Chẳng hạn, đó là những cảnh: Du xuân, Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, trao duyên, Hoạn Thư đánh ghen, báo ân báo oán, cảnh đoàn viên v.v… Nói chung, cảnh nào cũng đầy sự kiện, lắm biến cố, nhiều liên tưởng, đa tâm trạng đề có thể nảy nở cảm xúc thành thi ca.
Về hiện tượng bói Kiều, con người tuy là động vật thông minh nhất trên Trái Đất, nhưng dẫu sao những hiểu biết của con người vẫn có những giới hạn nhất định. Rất nhiều hiện tượng tự nhiên, xã hội và ngay chính trong chính bản thân chứa đầy những bí ẩn mà con người cũng chưa lí giải nổi, nhưng “nhân dục vô nhai”, ước muốn của con người thì lại không cùng. Bằng hiểu biết và kinh nghiệm, con người có thể ước đoán về thời tiết, về xã hội, rồi dần dần là những ước đoán về bản thân. Những ước đoán, dự đoán về quá khứ, hiện tại, tương lai là cơ sở của bói toán. Đây là hình thức sinh hoạt xã hội phổ biến ở nhiều nơi và ở nhiều thời nhằm lí giải những bí ẩn cuộc đời (sống chết, lợi danh, may rủi…) và thỏa mãn nhu cầu tâm lí của con người. Hình thức bói toán rất phong phú, trong đó có hiện tượng dựa vào Truyện Kiều để đoán định những điều cụ thể xảy ra muôn vàn trong cuộc sống.
Vì sao có hiện tượng này? Chúng tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là Truyện Kiều đã tạo ra một niềm tin, hơn nữa là một đức tin trong dân gian. Các nhân vật tích cực trong Kiều đã trở thành “cõi thánh” linh thiêng nên người ta mới gửi gắm, nhờ cậy phù hộ độ trì với tâm nguyện rất đỗi ngây thơ và thành kính. Khi bói Kiều, người ta thắp hương khấn vái, rồi đọc câu: Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều”, (có khi còn xóc quẻ, gieo đồng xu) sau đó xưng danh, xướng điều tâm niệm, rồi giở trang Kiều để bói. Những tác phẩm khác tuy cũng có thể rất nổi tiếng nhưng không tạo ra không khí linh thiêng nên không xảy ra bói như đối với Truyện Kiều.
Hiện tượng bói Kiều còn có những nguyên nhân khác. Có thể hình thức ngâm Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều là phổ biến, chính các hình thức sinh hoạt văn hóa này đã tạo ra hiệu ứng sùng bái Truyện Kiều và nảy sinh bói Kiều. Lúc đầu bói Kiều chỉ là giải trí, sau đó nó trở thành một hoạt động bói toán bài bản, có khả năng lí giải hoặc chí ít thì cũng trấn an tinh thần con người. Dù là giải trí vui vẻ hay nghiêm túc thì bói Kiều cũng dựa vào câu cụ thể trong văn bản để suy diễn, liên tưởng đến những điều khác liên quan trực tiếp đến người bói. Nguyên nhân cơ bản của bói Kiều chính là vì bản thân truyện Kiều là một văn bản đa nghĩa, trong đó hầu hết câu Kiều có khả năng tạo hàm ngôn, vượt lên khỏi quy các chiếu cụ thể trong văn bản, tạo ra hệ quy chiếu mở trong cuộc đời.
Trong dân gian, người ta bói Kiều đơn giản: mở trang Kiều, làm các thủ tục xin quẻ như trên, tay chỉ vào câu nào thì sẽ lí giải câu đó theo cách hiểu của người giải. Trong hình thức bói Kiều bài bản, người ta chọn chủ đề, quy thành nhóm, gọi là các đề mục. Người xem có nguyện vọng nào thì theo đề mục ấy, sẽ có những lời giải mã cụ thể. Theo sưu tầm của Phạm Đan Quế, có 18 đề mục thường được dùng xưa nay trong bói Kiều, gọi là các quẻ. Quẻ Càn (Niên vận: cả năm tốt hay xấu), Khảm (công danh), Cấn (tài lợi), Khấn (về âm tín), Tốn (kiện tụng), Li (bình an), Khôn (hôn nhân), Đoài (thương mại), Giáp (thiên di), Ất (tật bệnh), Bính (khoa cử), Đinh (con cái), Mậu (xuất hành), Kỉ (truy tìm), Canh (ưu tư), Tân (đi thăm hỏi), Nhâm (kĩ nghệ), Quý (tâm sự).
Mỗi quẻ (đề mục) lại có khoảng 15 đáp án, mỗi đáp án ứng với hai câu tập Kiều. Chẳng hạn, nếu người xem quẻ Tốn (kiện tụng) thì tìm lời giải ở đáp án và sẽ có những cách trả lời sau: – Tha ra thì cũng may đời/ Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi-> Sẽ được tha. Hoặc: – Mặt sao dày gió dạn sương/ Giơ tuồng nghỉ mới tìm đường tháo lui.-> nên rút lui (5; tr.131). Đây chỉ là một trong những cách bói Kiều trong số rất nhiều hình thức bói toán khác nhau của nhân dân ta từ xưa tới nay.
Truyện Kiều có sức sống lâu bền trong lòng dân tộc và đã thoát vượt ra khỏi biên giới, vươn tầm quốc tế, đạt đến tầm văn hoá nhân loại (đến nay đã có trên 60 bản dịch ra hơn 20 thứ tiếng)… Điều đó cho thấy, Nguyễn Du “hơn người” ở chỗ từ một câu chuyện tình đầy éo le và cảm động, nhà thơ đã nói lên được nỗi đau về thân phận của con người trong xã hội có áp bức bất công; ông đã đã tạo ra một thang giá trị mới, một hệ quy chiếu mở về nhân tình thế thái xã hội mà trước nay chưa từng thấy. Với việc định danh các hiện tượng nhân thế, khắc họa chân dung các nhân vật, dùng hệ thống từ ngữ tả cảnh, tả tình tinh tế và sâu sắc, nhà thơ đưa tiếng Việt một mặt, đi vào mọi tầng lớp độc giả, được dân gian hoá cao độ như lời ăn tiếng nói hàng ngày, mặt khác nó lập thành một tầm đỉnh ngôn ngữ và văn hoá khó vượt.
Trong các tác phẩm văn học từ cổ chí kim ở nước ta, Truyện Kiều là một mốc son chói lọi, một đỉnh cao vời vợi. Nó in bóng xuống các thời đại tiếp theo, tạo thành một mạch sống thẳm sâu, có sức lan tỏa rộng, có tầm ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm hồn của người Việt Nam. Sự ảnh hưởng của nó cũng thật đậm nét trong các hoạt động khác, tạo ra một hệ văn hóa truyện Kiều: sáng tác văn chương của nhiều thời kì đã “mượn” Kiều, ngôn ngữ hàng ngày cũng có nhiều câu lấy từ truyện Kiều, các sinh hoạt dân gian, các sưu tầm, nghiên cứu của rất nhiều công trình cũng xuất phát từ Truyện Kiều… Hiếm có một tác phẩm nào trong văn học nước ta tạo nên “hiệu ứng” mạnh mẽ và sâu sắc như sáng tác của Nguyễn Du.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đào Duy Anh (1979), Truyện Kiều chú giải, Nxb Văn học, Hà Nội.
Xuân Diệu (1976), Chung quanh từ ngữ Truyện Kiều (Trong sách Kiều), Nxb Văn học, Hà Nội.
1. Lê Đình Kỵ (1971), Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du – Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong truyện Kiều – Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Phạm Đan Quế (2000), Bình Kiều- Vịnh Kiều- Bói Kiều, Nxb Hải Phòng.
4. Trần Đình Sử (2002), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Hoài Thanh (1970), Nghìn thu vọng mãi (Trong sách Kiều), Nxb Văn học, Hà Nội.
PGS – TS Phan Mậu Cảnh
Nguồn: vannghenghean.v
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ
“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho... -
Một số từ địa phương Nghệ Tĩnh trong truyện Kiều
Nhà văn Nga M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một nhà văn thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư... -
70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Đã có nhiều hình thức văn hóa, văn học Kiều sâu rộng như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai...