Tìm hiểu Nguyễn Du và sưu tầm truyện Kiều để hướng tới phục nguyên văn bản truyện Kiều
HNTĐ
Đại thi hào dân tộc Việt Nam Nguyễn Du (1765 - 1820) là tác giả của các thi phẩm chữ Hán: Thanh Hiên tiền hậu tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc Hành thi tập và các tác phẩm chữ Nôm: Văn chiêu hồn, Văn tế Trường Lưu nhị nữ, Thác lời trai phường nón và đặc biệt là kiệt tác Đoạn trường Tân Thanh (Truyện Kiều) đã nâng tầm Nguyễn Du bước ra đại lộ văn minh nhân loại.
Năm 1965, Hội đồng hòa bình thế giới đã quyết nghị kỷ niệm 200 năm, năm sinh của Thi hào Nguyễn Du cùng với các danh nhân văn hóa: Nhà thơ La Mã Ho-ra-xơ, nhà thơ Ý Đăng-tơ, nhà bác học và nhà thơ Nga Lô-mô-nô-xốp...
Năm 2015, tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã có Nghị quyết số 37C/15 về việc tổ chức lễ Kỷ niệm 250 năm, ngày sinh của Nguyễn Du, thi hào dân tộc Việt Nam với sự tham gia của UNESCO trong niên độ 2014 - 2015.
1. Tìm hiểu về Nguyễn Du
Nguyễn Du là con trai thứ 7 của Hoàng Giáp Xuân quận công - Đại tư đồ - Tể tướng Nguyễn Nghiễm (1708 - 1776) và bà Trần Thị Tần (1740 - 1778) dòng dõi quan Tiến sĩ Trần Ngạn Húc (1540 - 1581), Tiến sĩ Trần Phi Chiêu (1549 - 1623); là em trai của Tiến sỹ - Nhập thị tham tụng Nguyễn Khản (1734 - 1786). Gia đình danh gia vọng tộc quan Tể tướng được ban tặng bức đại tự "Nhị thân phụ tử" và đôi câu đối "Lưỡng triều danh Tể tướng - Nhất thế đại nho sư" và quan chánh sứ của vua Càn Long nhà Thanh tặng bức hoành phi "Dịch thế thư hương".
Thi hào Nguyễn Du lúc nhỏ dáng mạo khôi ngô hùng vĩ, được Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc trông thấy cho là khác thường, ban cho một thanh bảo kiếm. Sau khi đỗ tam trường, vì đất nước loạn lạc nên ông nhậm chức Chánh thủ hiệu đội quân Hùng hậu hiệu đóng ở Thái Nguyên. Thi hào văn võ toàn tài được người đời xếp vào "An Nam ngũ tuyệt", "Nhất đại tài hoa", "Đại gia văn tự thế tranh truyền".
Vừa qua, khi sưu tầm được tập thơ Lưu Hương ký của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương thấy có bài: "Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu" với dòng chú "Hầu, Nghi Xuân Tiên Điền nhân" có câu thơ:
"Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không...
... Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong".
Và sau này trong thời gian làm quan ở Huế, Thi hào lại có bài Mộng đắc thái liên (Mơ hái được sen) trong đó có câu:
"Trong cuống có tơ mành
Vấn vương không thể dứt"
Kết hợp với lời kể của cụ Tiến sĩ Nguyễn Mai (1876 - 1954) là cháu gọi Nguyễn Du là ông bác:
"Cụ Tố Như trước kia có quen thân với nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nhân nhà nữ sĩ có đề ba chữ Cổ Nguyệt Đường, có lần cụ Tố Như có vịnh đùa câu thơ sau:
"Đã Cổ lại còn đeo thói Nguyệt
Còn Xuân chi để lạnh buồng Hương"
Nên ta có thể "khẳng nhận sự dan díu giữa hai tài tử bậc nhất trong văn giới Việt Nam" (Lời Hoàng Xuân Hãn). Mối tình "chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ" làm cho chúng ta không khỏi tiếc nuối, bùi ngùi:
"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Quá thương chút nghĩa đèo bòng,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".
Khi tìm hiểu cuốn "Hoan Châu - Nghi Tiên Nguyễn gia thế phổ" thì lại được biết anh trai thứ 5 của Thi hào là Nguyễn Trừ (1760 - 1809) có người con gái là "Thị Uyên sinh 1786, năm 1802 được sung vào hữu cung, làm cung tần của Vua Gia Long, năm 1808 sinh một con gái". Như vậy, Thi hào Nguyễn Du là chú vợ Vua Gia Long.
2. Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào cuối đời Tây Sơn.
Từ điển Văn học, xuất bản 1984 và bộ mới năm 2004 đều dựa vào Đại Nam chính biên liệt truyện chép: "Du vưu trường ư thi, thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế" để kết luận "có người cho Truyện Kiều ra đời sau khi Nguyễn Du đi sứ Trung Quốc. Nhưng cũng có nhiều bằng chứng, có thể Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước khi đi sứ". Nghĩa là Thi hào sáng tác Truyện Kiều khi đã ra làm quan cho Gia Long trong khoảng 1805 - 1820.
Nhưng khi đã làm quan cho vua Gia Long, trong thời đại họa văn tự, kỵ húy đã ban ra khắp cả nước.
"Tên vua Hòa bằng chữ Trọng
Ai mà nói động thì cắt lưỡi đi"
(Hòa + Trọng = chủng = giống)
Sao quan Hữu tham tri bộ Lễ lại dám réo tên mẹ vua (Lan) và cả tên vua (chủng = giống) vào trong Truyện Kiều:
"Thang Lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa
So vào với thiếp Lan Đình nào thua
Tuồng chi là Giống hôi tanh
Diếc nàng những Giống bơ thờ quen thân".
Và trong Truyện Kiều còn nhiều câu có nội dung "yêu thư, yêu ngôn" phạm điều 225 luật Gia Long.
"Sao bằng riêng một biên thùy
Sức này đã dễ làm gì được nhau
Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai".
Vậy Truyện Kiều phải được viết trước khi Gia Long lên ngôi vua.
Sau này Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (và các cộng sự) đã dựa vào một số chữ khắc thiếu hoặc thừa nét của bản Duy Minh Thị 1872 và Liễu Văn Đường 1871 mà cho rằng các bản Kiều ấy có chữ kỵ húy vua Lê, chúa Trịnh để kết luận "Bản thảo toàn bộ Truyện Kiều đã được cơ bản hoàn thành khoảng ba năm 1786, 1787, 1788" và "có lẽ phải kéo dài thêm cho đến năm 1789, 1790" nghĩa là trong thời còn Vua Lê - Chúa Trịnh. Nhưng thời đó, lệ kỵ húy vua chúa cũng rất nghiêm ngặt, sao Thi hào lại réo tên các Vua Lê - Chúa Trịnh rất nhiều lần trong Truyện Kiều:
511: Ngẫm duyên KỲ ngộ xưa nay (Lê Chiêu Thống húy Duy Kỳ)
2481: Cũng ngôi mệnh phụ ĐƯỜNG ĐƯỜNG (Lê Dụ Tông húy Duy Đường)
398: Đạm Thanh một bức tranh TÙNG treo trên (Trịnh Tùng)
352: Một lời vâng TẠC đá vàng thủy chung (Trịnh Tạc)
451: Tóc tơ CĂN vặn tấc lòng (Trịnh Căn)
2173: GIANG hồ quen thói vẫy vùng (Trịnh Giang)
1885: Sớm khuya hầu hạ đài DOANH (Trịnh Doanh)
550: Chưa vui SUM họp đã sầu chia phôi (Trịnh Sâm = Sum)
Vậy Truyện Kiều cũng không thể được viết dưới thời Lê - Trịnh.
3. Quá trình sáng tác và truyền bá Truyện Kiều
Năm 1786, Nguyễn Du chịu hai cái tang lớn của anh hai Nguyễn Điều (mất 7/1786), anh cả Nguyễn Khản (mất 11/1786). Mùa đông 1796 ông toan vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh, bị tướng Tây Sơn là Quận Công Thận bắt giam mấy tháng, rồi vì là bạn của anh Nguyễn Nễ nên được thả về an trí ở quê Tiên Điền, lấy biệt hiệu là Hồng Sơn liệp hộ và Nam Hải điếu đồ. Đến lúc này thì cái chí "Trung quân ái quốc" với nhà Lê mới tạm thời gác lại, lấy việc đi săn ở Hồng Lĩnh, câu cá ở biển Nam làm sinh kế và trong lúc "Cầm đường ngày tháng thanh nhàn - Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao", lại nhân vì trong tủ sách của quan Tể tướng có quyển Kim Vân Kiều truyện của Thanh tâm tài nhân nên Thi hào mới dựa vào đó để sáng tác thành Đoạn trường Tân Thanh. Những người được đọc đầu tiên có lẽ là anh rể Vũ Trinh có lời mặc bình, em ruột Nguyễn Lượng có lời chu bình rồi các cháu là Nguyễn Thiện, Nguyễn Hành, Nguyễn Thị Bành, Nguyễn Thị Đài. Công việc sáng tác Truyện Kiều có lẽ là trong khoảng 1796 - 1801. Năm 1802 ông đành phải ra làm quan với triều Gia Long. Nhưng vì trong Truyện Kiều đã chót viết có nhiều câu phạm đại húy nên Thi hào luôn lo sợ nếu Truyện Kiều mà truyền bá rộng ra ngoài thì "Đoạn trường Tân Thanh" sẽ thành "Đoạn đầu tân đao" hạ xuống trừng trị cả dòng họ. Sau này chỉ có những người thân thích như anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn mới được đọc và có bài thơ Đề từ hoặc Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1759 - 1825) đọc và có bài "Thính Đoạn trường tân thanh hữu cảm" mà sau này các bản Truyện Kiều đều khắc in ở đầu sách như bài Đề từ.
Chỉ đến tháng 8/1830 vua Minh Mạng đọc Truyện Kiều và có viết bài "Thánh Tổ Nhân Hoàng đế ngự chế tổng thuyết" có câu khen ngợi Thúy Kiều: "Dùng dao nhọn sát thân, lòng trinh nữ giữ mình tiết lớn, Khuyên áo gấm quy thuận, bậc trượng phu vì nước lòng ngay. Thương chí nàng cho là hiếu trung, Xét lòng nàng cho là trinh tiết". Vì thế cũng trong năm 1830, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thắng đọc được quyển Kiều ở trong ngục chỉ có 3150 câu (thiếu 104) mới dám viết tập "Kim Vân Kiều án" gồm 22 bài thơ xét án 24 nhân vật trong Truyện Kiều.
Bản Kiều chép tay của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Lập (có mẹ kế là con gái Đại thi hào Nguyễn Du) chép ở Huế năm 1870 lại do kỵ húy quá triệt để nên sửa từ ngữ của Truyện Kiều quá nhiều.
Đến tháng 3/1871 lại có bài của vua Tự Đức "Dực Tông Anh hoàng đế ngự chế tổng từ" dài 140 câu, trong đó có câu:
"Thị biên Bắc nhân Thánh thán trước
Dịch âm ngã quốc Nguyễn Tiên Điền".
Và khen:
"Truyện hay nỡ để khói tan lạnh lùng....
Khiến người đọc đến nghẹn ngào lệ rơi".
Và có lẽ vị Hoàng đế Tự Đức do văn hay chữ tốt, yêu chuộng người tài nên dù có đòi nọc Nguyễn Du ra đánh trăm roi khi đọc câu: "Dọc ngang nào biết trên đầu có ai", vẫn dựa vào quyển Kiều tịch thu được trong Di cảo của Thi hào mà sai người chép và vẽ 150 bức tranh minh họa cảnh vật Truyện Kiều, mà sau này khi chiếm kinh thành Huế năm 1885 một người Pháp đã chiếm được mang về Paris sau bán sang Anh năm 1894. Chúng tôi đã sưu tập được ảnh của cuốn Kiều lưu trong Thư viện Hoàng gia Anh này và tổ chức phiên âm, dịch in năm 2016.
Như vậy, sau khi hai vị Hoàng đế Minh Mạng và Tự Đức "bật đèn xanh" cho việc đọc Kiều thì ở Kinh thành Huế có phong trào:
"Làm trai mê đánh Tổ tôm
Mê ngựa hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều".
Người ta tranh nhau sao chép Truyện Kiều đến nỗi "giấy hiếm và quý như giấy Lạc Đô".
Đến nay, ngoài bản của Nguyễn Hữu Lập, ta còn có bản của Tăng Hữu Ứng chép 1874, bản Nguyễn Doãn Cử, bản Diễn Châu, bản Thái Bình, bản Quế Võ, bản R2003, bản R987...
Ở ngoài Bắc Thành (Hà Nội) thì sau khi Phạm Quý Thích có bản Kiều, các sĩ phu túc nho Bắc Kỳ như: Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Lý, Chu Doãn Trí... cũng chép và làm nhiều thơ văn vịnh Kiều. Các nhà như Liễu Văn Đường in năm 1866, 1871 (có 3254 câu), nhóm in 1904, 1914, 1916 (lại có 3262 câu), Thịnh Mỹ Đường, Quan Văn Đường in năm 1879, 1911, 1919, Tụ Hiền Đường 1886, Ấn Thư Hội 1896, Kiều Oánh Mậu 1902, Chu Mạnh Trinh 1906, Phúc Văn Đường 1918, 1926, 1932, 1939, Phúc An Hiệu 1933...
Ở miền Nam có Duy Minh Thị in tại Phật Sơn Trung Quốc các năm 1872, 1879, 1891 và mang về bán ở Sài Gòn (lại chỉ còn 3252 câu).
Đến nay, cá nhân tôi đã sưu tập được các bản Kiều Nôm cổ, in, chép tay, phô tô khác nhau là 68 bản.
Cuối thế kỷ XIX sang thế kỷ XX, khi chữ Quốc Ngữ được truyền bá rộng rãi thì các bậc trí thức bắt đầu phiên âm Truyện Kiều sang Quốc ngữ. Mở đầu là học giả Trương Vĩnh Ký in năm 1875, 1898, 1911 rồi đến A.D Michels in tam ngữ: Nôm - Quốc ngữ - Pháp năm 1884 (có 3252 câu), Nordemann 1897, Phạm Kim Chi 1917, Nguyễn Văn Vĩnh 1923, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim 1927... Tản Đà 1952, Lê Văn Hòe 1953... Nguyễn Văn Hoàn 1965, Nguyễn Thạch Giang 1972, Đào Duy Anh 1974, 1979; Thế Anh 1999, 2005; Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Tài Cẩn 2002, 2004; Nguyễn Khắc Bảo 2004, 2009, 2016... khoảng gần 100 bản Truyện Kiều được dịch sang nhiều thứ tiếng khác trên thế giới như tiếng Pháp có A.D Michels, Nguyễn Văn Vĩnh, Xuân Phúc và Xuân Việt... khoảng trên chục bản. Truyện Kiều còn được dịch ngược lại sang chữ Hán như: Hoàng Giật Cầu, Trương Cam Vũ, La Trường Sơn... và nhiều thứ tiếng nữa như: Anh, Nga, Ý, Tiệp, Hungari, Rumani, Nhật Bản, Hàn, Cu ba...
Ở Đức, Truyện Kiều cũng được hai vợ chồng nhà báo là IRENE và FRANZ FABER dịch sang tiếng Đức trong thời gian 7 năm từ 1956 - 1963. Duyên do là năm 1954 hai nhà báo sang Việt Nam để viết về Điện Biên Phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng một bản Kiều song ngữ Việt - Pháp do Nguyễn Văn Vĩnh biên soạn (Les Edition VINH BAO - HOANH SON, Sài Gòn 1952 và đặt tên là Das Maedchen Kieu (Cô gái Kiều). Hai nhà báo này đã phải nhờ cụ ông thân sinh của bà IRENE FABER đang sống ở Cologue sang Paris vào Viện Hàn lâm Pháp tra cứu giúp các điển tích. Bản dịch này đã được học giả JOHAN DICH MAN đánh giá: "Với tác phẩm này, độc giả Đức tìm thấy một thế giới văn học mà cho tới nay họ chưa từng biết tới: Trước mắt họ thấm nhuần trong Truyện Kiều là cả một kho tàng nhân văn, đỉnh cao tuyệt vời của nền văn hóa dân tộc Việt Nam". (Kỷ yếu Hội Kiều học Việt Nam, trang 141).
Ở Việt Nam, Truyện Kiều đã được đón nhận rất nồng nhiệt, hầu như tất cả các bậc thức giả, vua quan sĩ thứ đều tìm đọc và bình phẩm về Truyện Kiều. Các bậc túc nho như: Phạm Quý Thích, Đoàn Nguyễn Tuấn, Mộng Liên Đường chủ nhân, Thiên hoa tàng chủ nhân, Phong Tuyết thập thanh thị, Minh Mạng, Tự Đức, Hà Tông Quyền, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, Nguyễn Công Trứ, Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu, Chu Mạnh Trinh... Tản Đà, Bùi Khánh Diễn, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Trần Bích San, Phan Chu Trinh, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước... Đặng Thai Mai, Trương Chính Hoài Thanh, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Huy Cận, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Văn Hoàn, Đào Duy Anh, Thế Anh, Nguyễn Quảng Tuân, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Bảo... đều có nhiều bài viết hoặc công trình về Truyện Kiều.
Truyện Kiều được phổ biến sang toàn dân với việc: Lẩy Kiều, Vịnh Kiều, Tập Kiều, Đố Kiều, Trò Kiều, Chèo Kiều, đưa thơ Kiều vào Quan họ và đặc biệt nhất là Bói Kiều.
Người xưa đánh giá: "Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời thì tài nào mà có cái bút lực ấy", "Lời văn tả hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột".
Phạm Quỳnh có câu gợi nhiều suy tư: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, Tiếng ta còn, nước ta còn".
Một học giả người Hoa từng đánh giá Truyện Kiều là: "Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ".
Với thế giới, Truyện Kiều đã sánh vai cùng các kiệt tác của các dân tộc để có mặt trong bộ "Từ Điển các tác phẩm của mọi thời đại và của mọi xứ sở" và Nguyễn Du đã được thế giới tôn vinh 2 lần vào các năm 1965 và 2015.
Việc Lẩy Kiều, Tập Kiều đã được mọi người yêu Kiều, thuộc Kiều vận dụng trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Chỉ xin kể một vài ví dụ tiêu biểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đón Tổng thống In-đô-nê-xia là ngài Xu-các-nô đã đọc:
"Bây giờ mới gặp nhau đây
Mà lòng đã chắc những ngày thanh niên".
Và khi tiễn Tổng thống về nước lại lẩy câu Kiều:
"Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm".
Thú vị nhất là các vị lãnh đạo nước Mỹ như Tổng thống CLINTON ngày 17/11/2000 khi thăm Hà Nội đã đọc:
"Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân"
Phó Tổng thống Mỹ JOE BIDEN khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 7/7/2015 tại WASHINGTON đã đọc:
"Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"
Tổng thống Mỹ B.OBAMA khi tiếp các tri thức trẻ tại Hà Nội đã đọc:
"Rằng trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi".
4. Phục nguyên văn bản Truyện Kiều
Tuy Truyện Kiều được mọi người yêu mến như vậy, nhưng vì nguyên tác Truyện Kiều không còn, việc in ấn Truyện Kiều lại chủ yếu dựa vào chép lại từ những người thuộc lòng Truyện Kiều nên không tránh khỏi nạn "Tam sao thất bản" đúng như Thi hào đã từng viết: "Khác nhau một chữ hoặc khi có lầm".
Nay chúng tôi xin dựa vào sự thống nhất của văn tự trong 68 bản Nôm cổ để đề nghị phục nguyên lại một số câu Kiều sau:
5. Kết luận:
Truyện Kiều là kiệt tác của văn chương Việt Nam và thế giới, được đón đọc và bàn luận bởi hàng triệu học giả và độc giả trên cả địa cầu. Việc sưu tầm các tài liệu liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều chỉ mong chúng ta có điều kiện để hiểu về Nguyễn Du và có được văn bản Truyện Kiều gần với nguyên tác nhất. Rất mong nhận được sự phủ chính của mọi người yêu Truyện Kiều quan tâm đến vấn đề trên và sẽ nhận được những góp ý kiến chân xác./.
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ
“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho... -
Một số từ địa phương Nghệ Tĩnh trong truyện Kiều
Nhà văn Nga M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một nhà văn thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư... -
70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Đã có nhiều hình thức văn hóa, văn học Kiều sâu rộng như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai...