Nghi Xuân - vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa

HNTĐ

Là huyện phía bắc của tỉnh Hà Tĩnh, Nghi Xuân là vùng đất cổ giàu trầm tích văn hóa, hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa cổ với dày đặc các di chỉ khảo cổ học kết nối liên tục các giai đoạn lịch sử hình thành của con người nơi đây từ thời tiền sử đến nay.

Huyện Nghi Xuân có vị trí lý tưởng, địa hình cực kỳ đặc biệt thú vị, bởi với sự giao thoa giữa núi đồi thấp, đồng bằng hẹp, giữa dòng sông Lam và biển Đông. Dãy núi Hồng Lĩnh chạy ngang ra biển, là địa giới tự nhiên giữa 2 huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Can Lộc và Thị xã Hồng Lĩnh. Dòng sông Lam chảy qua huyện, từ Chế (múi đê Bấn) xã Xuân Lam đến cửa biển Hội Thống, dài khoảng 23 km, là ranh giới tự nhiên giữa Nghi Xuân với huyện Hưng Nguyên, Thành phố Vinh và Nghi Lộc. Bờ biển từ cửa Hội đến lạch Động Kèn, dài 32 km. Đứng trên đỉnh cao Hồng Lĩnh phóng tầm mắt ngó đất ngắm trời, Nghi Xuân xanh bát ngát “Núi xanh, sông xanh lẫn trời xanh”. Người xưa có phương ngôn : “Hồng Lĩnh núi cao/ Song Ngư biển rộng/ Gặp buổi vận sáng/ Nhân tài rộ hoa”.

Các nhà khoa học thám sát, mở hố khai quật ở di chỉ Bãi Cọi, xã Xuân Viên.

Được biết, từ khi con người có mặt ở vùng đất Nghi Xuân đến nay đã trên, dưới 7.000 năm. Theo truyền thuyết kinh đô Ngàn Hống, nhân vật Lục Tục (2919TCN – 2792 TCN), là con của Đế Minh với Vũ Tiên, cháu 4 đời vua Thần Nông. Đế Minh phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương. Ông là người hình thành nhà nước sơ khai đầu tiên vào năm Nhâm Tuất (2879 TCN), đặt tên nước là Xích Quỷ. Tương truyền, Kinh Dương Vương đi tuần thú phương Nam tìm đất định kinh đô, khi đến dãy núi Hồng Lĩnh, gặp một đàn chim Hồng 100 con bay 9 vòng trên bầu trời rồi hạ cánh xuống 99 đỉnh núi. Kinh Dương Vương nghĩ “đất lành chim đậu”, nảy ý định chọn Ngàn Hống làm kinh đô. Nhưng dãy núi Hồng Lĩnh chỉ có 99 đỉnh núi. Con chim đầu đàn không có chỗ hạ cánh cứ vòng đi, vòng lại. Thấy vậy, người dân ven núi rủ nhau đắp ngọn núi đất làm nơi hạ cánh của chim đầu đàn. Mọi người đồng tâm, hợp lực một lòng, chỉ trong thời gian ngắn thì đắp xong ngọn núi đất. Chim đầu đàn sà xuống đậu trên đỉnh núi đất. Nhưng núi vừa đắp, còn yếu, bị đổ sụp. Chim đầu đàn giật mình cất cánh bay ra đất Bắc. Đàn chim Hồng rào rào vỗ cánh bay theo. Thấy vậy, Kinh Dương Vương bỏ dở việc xây dựng kinh đô Ngàn Hống, tìm nơi khác.

Ngày nay, vào năm 1974, các nhà khảo cổ học đã phát hiện di chỉ bãi Phôi Phối ở xã Xuân Viên, dưới chân núi Hồng Lĩnh và tổ chức mở hố thám sát, khai quật đầu tiên vào năm 1976. Sau đó, từ năm 2006 đến năm 2012, các nhà khảo cổ học trong nước, phối hợp với quốc tế đã tiến hành nhiều đợt thám sát, mở hố khai quật ở khu vực Bãi Cọi, cách bãi Phôi Phối khoảng 2 km.

Tại di chỉ Phôi Phối, đã tìm được bình có tai gắn liền với miệng đồ dùng. Ở đây cũng tìm thấy đồ gốm đáy tròn có văn thừng. Về hiện vật đồ đồng, đồ sắt di chỉ Phôi Phối - Bãi Cọi mang yếu tố điển hình của văn hóa Đông Sơn pha trộn văn hóa Sa Huỳnh. Cuốc chữ U mang yếu tố Đông Sơn muộn có ảnh hưởng của văn hóa nam Trung Quốc. Các loại công cụ đồ sắt như dao găm, lưỡi giáo, khuyên tai 3 mấu đồ gốm, khuyên tai 3 mấu thủy tinh đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Qua các di chỉ Phối Phối - Bãi Cọi cho thấy trình độ kỹ thuật chế tác công cụ của cư dân nơi đây đã đạt trình độ cao. Từ kết quả của các đợt khai quật, thám sát các nhà khảo cổ học khẳng định bãi Phôi Phối là dấu tích cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới có niên đại khoảng 5.000 năm đến 4.000 năm trước công nguyên. Từ dấu tích Phôi Phối nơi cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới chuyển tiếp đến Bãi Cọi là dấu tích mộ táng của cư dân thời đại đồng thau Sa Huỳnh - Đông Sơn, phân bố trên địa bàn rộng, có niên đại khoảng 2.500 – 2.000 năm trước công nguyên, tương đương nhà nước sơ khai Kinh Dương Vương, Hùng Vương. Ở làng Trại, nay thuộc thôn Hồng Tiến, đã phát hiện được lò luyên sắt thời Hùng Vương.

Bình con tiện và hoa văn trang trí ở Bãi Cọi.

Thời Hùng Vương, vùng đất Nghi Xuân thuộc bộ Cửu Đức, bộ tộc Việt Thường. Trong 1.000 năm Bắc thuộc, vùng đất Nghi Xuân: Thời Hán thuộc huyện Hàm Hoan, quận Cửu Chân. Thời Đông Ngô thuộc huyện Dương Thành. Thời Tống, Lương thuộc huyện Phố Dương, quận Cửu Đức. Thời Đường, vẫn thuộc Phố Dương, Châu Hoan. Thời kỳ nhà nước phong kiến độc lập tự chủ Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý- Trần, vẫn gọi là huyện Phố Dương. Thời thuộc Minh đô hộ (1407 – 1427) đổi tên là huyện Nha Nghi. Thời Lê sơ, thơ của tiến sỹ Bùi Dương Lịch chép: “ Bản đồ xưa chép huyện Nghi Chân”. Huyện Nghi Chân, (do nhập từ Nha Nghi với huyện Chân Phúc) tồn tại từ năm 1428 đến năm 1468. Tháng 4 năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông định số phủ, huyện, châu cho 12 đạo Thừa tuyên. Trong số đó, Thừa tuyên Nghệ An có 9 phủ, 27 huyện, 2 châu. Địa danh huyện Nghi Xuân, (phủ Đức Quang), có 26 xã, 1 thôn, 2 trang. Phủ Đức Quang tồn tại đến năm 1831 thì đổi thành phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Phủ Đức Thọ tồn tại đến năm 1945. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, trên bỏ cấp tổng, nhập xã, tách xã nhiều lần, đến năm 1976, huyện có 17 xã. Năm 1976 đến năm 1991, thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Ngày 23/2/1977, thành lập xã Xuân Lĩnh ở vùng đất khai hoang, toàn huyện có 18 xã. Ngày 1/3/1988, thành lập thị trấn Nghi Xuân. Từ năm 1991, tách tỉnh đến nay, Nghi Xuân thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1994, chuyển xã Xuân An lên đô thị. Toàn huyện có 17 xã, 2 thị trấn.

Những năm gần đây, trong lòng đất Nghi Xuân, đã phát hiện nhiều mảnh gốm sành, sứ thời Hán, gạch ngói thời Tùy – Đường. Dưới chân núi Bàn Thạch có “khe nhà Lương”, ở vùng Phan Xá có   vịnh người Ngô”. Năm 1991, ở chùa Yên Phúc, xã Xuân Trường, có 1 pho tượng bị hỏng, người dân phát hiện được 22 đồng tiền cổ, có ghi niện đại: “Hoàng Tôn thông bảo”, “ Nguyên Phong thông bảo”, “Đại Quang thông bảo”, “Khai Nguyên thông bảo”, “Niên Quang thánh bảo”, “Chiêu Quang thánh bảo”, “Hiệu Nguyên thánh bảo”. Được biết “Khai Nguyên” là niên hiệu của vua Đường Huyền Tông, tức Lý Cao Cơ. Điều này rất thú vị, đã chứng minh nơi đây đã có sự trao đổi, giao lưu khá sớm.

Mảnh vỡ nồi, vò gốm từ thế kỷ 2 – 1 (TCN) phát hiện ở di tích đền Huyện, xã Xuân Giang.

Suốt 15 thế kỷ, tư liệu cổ ghi chép về vùng đất cổ Nghi Xuân hầu như rất ít. Từ thế kỷ XV trở lên mới thấy sử sách ghi chép đất và người Nghi Xuân.  Cuốn “Lịch sử Nghệ Tĩnh” viết năm 1983 cho biết, vào thời Lý – Trần vùng đất Nghi Xuân đã có nhiều làng mạc sầm uất. Nghề gốm đã phát triển, có nhiều tiến bộ về kỹ thuật chế tác và xuất hiện trung tâm sản xuất gốm lớn ở làng Tả Ao. Ở Nghi Xuân bấy giờ đã hình thành một thương cảng cổ, khách thương vào, ra buôn bán sầm uất. Làng Tả Ao nơi có đền thờ Lý Đại Vương trở thành một trung tâm trù phú ở huyện Nha Nghi. Đã xuất hiện nhiều hành cung, dinh thự ở vùng chân núi Hồng Lĩnh, hoặc ven sông Lam. Qua các đợt thám sát, khai quật, phát hiện nhiều hiện vật như chiếc lá đề, đầu rồng, giếng thời nhà Trần và nhiều bình, thạp, bát có hình hoa sen, đĩa có hình cá chép, hũ có 4 núm và nhiều mảnh vỡ của gốm sứ Tống, Nguyên (Trung Hoa), gốm sứ có niên đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn…

Sự đa dạng, phong phú của văn hóa Nghi Xuân còn được phản ánh trên bình diện di tích đình, chùa, đền miếu và nhà thờ của nhiều dòng họ. Huyện có 1 di tích đặc biệt Quốc gia, 8 di tích Quốc gia và 72 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn rất nhiều đình, đền miếu, chùa chiền, nhà thờ dòng họ và công trình văn hóa, nghĩa trang, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chưa được xếp hạng di tích. Ngoài ra, bờ biển đẹp, đã xuất hiện một số bãi tắm lý tưởng. Dãy núi Hồng Lĩnh có nhiều phong cảnh, khe suối đầy quyến rũ bởi những rừng trúc, rừng thông, thác nước, đá dựng, đá bia…Đây là thế mạnh, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch văn hóa – sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệp nông nghiệp ở Nghi Xuân.

Đặng Viết Tường
Nguồn:http://nghixuan.hatinh.gov.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC