Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ

HNTĐ

“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho nền văn học dân tộc, trở thành những “lời quê” bất hủ.

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về thi phẩm “vô tiền khoáng hậu” này song chung quy lại vẫn là để khẳng định sức sống của một tác phẩm, sức sáng tạo của một thiên tài. Nằm trong mạch chung ấy, tôi thử đi tìm cái gọi là sức sống của Truyện Kiều trong cách sử dụng Tiếng Việt đậm đà hương âm xứ Nghệ.


Bến Giang Đình - Nghi Xuân - Hà Tĩnh

Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một người nghệ sĩ thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư tưởng tình cảm thẩm mĩ. Về phương diện này, Truyện Kiều là tập đại thành của ngôn ngữ thơ ca truyền thống. Đạt đến thành tựu rực rỡ như vậy là bởi Nguyễn Du đã kế thừa, phát huy được những khuynh hướng sáng tạo ngôn ngữ khác biệt, độc đáo. Dưới bàn tay của thiên tài Nguyễn Du, tiếng Việt của chúng ta trở nên điêu luyện, đặc sắc hơn và trở thành một thứ “siêu ngôn ngữ”. Nguyễn Du đã có sự sáng tạo, linh hoạt, sàng lọc và gọt dũa các ngôn từ của mình một cách công phu và mang lại hiệu quả cao. Ngôn từ của Nguyễn Du uyên thâm, sắc sảo, hàm súc và gần gũi... Nhờ vậy, tiếng Việt trở nên đẹp hơn, óng ánh hơn và trong sáng hơn. Với bậc thầy về sử dụng ngôn từ, Nguyễn Du đã khéo léo mang từ ngữ địa phương, tiếng nói của miền quê vào trong kiệt tác Truyện Kiều tạo nên sự giản dị, hài hòa, mộc mạc. Đi sâu vào ngôn từ Truyện Kiều chúng ta hiểu sâu hơn thứ ngôn ngữ quê hương - dung dị, tự nhiên mà sâu sắc, đậm đà tình đất, tình người xứ Nghệ.
Tuy chịu ảnh hưởng rất lớn của văn hóa Bắc Kỳ, nhất là kinh thành Thăng Long nhưng trong ký ức và đặc biệt là những năm tháng về sống ở quê nhà Nghi Xuân, không gian văn hóa xứ Nghệ cùng thiên nhiên, phong tục sinh hoạt của quê hương đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới cảm quan nghệ thuật cũng như tư tưởng chủ đạo trong rất nhiều sáng tác của Nguyễn Du. Dường như quê nhà luôn là một cõi thiêng liêng đối với Nguyễn Du, thành nỗi đau đáu khôn nguôi dẫu cho nhà thơ phiêu bạt chốn nào trong cõi hồng trần. Nếu như Kinh Bắc quê mẹ và kinh kỳ Thăng Long đã kiến tạo nên sự tinh tế trong tâm hồn thì Núi Hồng sông Lam là địa chỉ tình cảm của nhà thơ. Không gian văn hóa độc đáo này đã cung cấp chất liệu nghệ thuật cho sáng tác của thi nhân và ngược lại thi nhân cũng góp phần làm cho thứ tiếng Việt mang đậm phong vị quê hương bay cao, bay xa hơn nữa.
Xưa nay, nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật trong Truyện Kiều , người ta thường hay chú ý trước hết đế những chỗ dùng từ chính xác, từ hay , tinh tế thường được gọi là lối dùng từ đắt của Nguyễn Du ,cũng như cách dùng hư từ, khối lượng từ đồng nghĩa , từ có phong cách khẩu ngữ, từ mang phong vị ca dao , thành ngữ, tục ngữ …Sự tinh lọc về ngôn ngữ và sự kết hợp nhuần nhị của tiếng nói xứ Nghệ đã góp phần làm nên vẻ đẹp tự nhiên của ngôn ngữ thơ ca lục bát. Những từ ngữ địa phương mang hương âm đặc sắc tiếng nói của một vùng quê đã đi vào thi ca lục bát Truyện Kiều một cách tự nhiên, nhuần nhị khiến độc giả ngàn đời không phân biệt được cái giới hạn của ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ bình dân.  Sự hồn nhiên dung dị và mộc mạc của tiếng nói xứ Nghệ tuy không phải là những mĩ từ nhưng nghệ thuật ngôn từ tinh diệu khéo léo của Đại thi hào Nguyễn Du đã khiến cho những hương âm xứ Nghệ trở nên thân thiết, ngọt ngào, thú vị mà sâu lắng. Tuy chiếm một tỉ lệ không nhiều nhưng những âm vựng của tiếng nói người Nghệ Tĩnh đã làm nên một vẻ đẹp riêng duyên dáng và đáng yêu.Trong Truyện Kiều từ ngữ địa phương mà đặc biệt là tiếng nói vùng Nghệ – Tĩnh được thi hào Nguyễn Du vận dụng như là một phương tiện ngôn ngữ hữu hiệu với những dụng công nghệ thuật độc đáo, như các từ “ả; mụ; chi; cơn, lộn, tàng tàng, cổi, lạt, văng, quảy, ngài, lòn, lọt, lợt ”. Trong Truyện Kiều, từ địa phương Nghệ Tĩnh chủ yếu là lớp từ đơn tiết. Từ đơn là lớp từ chủ yếu thuộc vốn từ cơ bản trong các phương ngữ và trong mọi ngôn ngữ thường chỉ sự vật, tính chất, hoạt động… được dùng nhiều quen thuộc. Vì vậy, sự xuất hiện của từ địa phương trong Truyện Kiều chẳng những không cản trở sự tiếp nhận của người đọc mà còn tạo sắc thái biểu cảm, mang tính địa phương, gần gũi, thân mật, đồng thời vẫn giữ được âm hưởng, giọng điệu, cấu trúc của câu thơ lục bát. Những từ địa phương này phải đặt trong ngữ cảnh mới thấy được cái hay của nó mà nếu thay bằng các từ đồng nghĩa khác sẽ thấy giá trị biểu đạt giảm đi rất nhiều. 


Ví dụ:
Từ “nao” đồng nghĩa với buồn rầu, buồn thảm.
Bỗng không mua não chuốc sầu nghĩ nao (236)
Không thể thay từ nao bằng từ buồn rầu, vì tiếng thứ tám trong câu thơ lục bát chỉ chấp nhận một từ đơn tiết. Nếu thay từ phổ thông đồng nghĩa với nó như buồn rầu , buồn thảm thì khuôn âm sẽ hỏng đi và sẽ phá vỡ cấu trúc. Đặt câu thơ này vào trong văn cảnh ấy sẽ thấy đây là lời khuyên giải của thân sinh Thuý Kiều đối với nàng sau giấc mộng Đạm Tiên, thấy con gái trăn trở, hãi hùng về sự báo mộng đoạn trường. Từ nao dùng ở câu này sẽ biểu hiện được hai nét nghĩa: nghĩa buồn rầu đan xen lo lắng, đúng như tâm trạng của Thuý Kiều.


Từ “nghé” có nghĩa là nhìn theo nhưng nhìn một cách kín đáo, lưu luyến có ý trông mong.
Khách đà lên ngựa người còn nghé theo (168)

Từ nghé hay hơn, đặc sắc hơn từ nhìn vì nó miêu tả được tình cảm thầm yêu trộm nhớ của Thuý Kiều đối với chàng Kim sau phút đầu gặp gỡ. Nếu Nguyễn Du dùng từ nhìn không những không bộc lộ hết những diễn biến phức tạp trong thế giới nội tâm của Thuý Kiều, mà còn phá vỡ cấu trúc câu thơ lục bát.
Hoặc là từ “mặt mo” trong câu
“Mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào”(1170).

Để miêu tả bản chất lừa đảo của một con người, thể loại văn xuôi có nhiều ưu thế hơn, nhưng ở thể loại thơ, Nguyễn Du với từ “mặt mo” cũng đã có đủ sức diễn tả tất cả. “Mặt mo” có mấy sắc thái nghĩa sau: dày, nhăn và vô cảm. Chỉ bằng từ này thôi, bản chất lật lọng, đàng điếm của Sở Khanh lộ nguyên hình..

Bước đầu, có thể chứng tỏ Nguyễn Du đã khai thác khả năng biểu đạt và biểu cảm độc đáo của vốn từ địa phương, đồng thời vẫn giữ được âm hưởng, giọng điệu của câu thơ lục bát. Chính ngôn ngữ địa phương đã góp phần làm giàu thế giới nội tâm, khắc họa tính cách của nhân vật cũng như của các tầng lớp trong xã hội.

Không dừng lại ở việc sử dụng vốn từ vựng địa phương mà Nguyễn Du còn có biệt tài vận dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao xứ Nghệ trong Truyện Kiều. Đại thi hào khéo léo đến nỗi, lắm lúc chúng ta không còn biết được những câu thành ngữ quen thuộc đã nhập vào trong "Truyện Kiều", hay chính "Truyện Kiều" đã tạo ra những thành ngữ, tục ngữ ấy. Nguyễn Du đã biết lọc lấy những phần ưu tú nhất trong ngôn ngữ của nhân dân, đặc biệt là ngôn ngữ văn học của nhân dân, để sáng tạo nên ngôn ngữ Truyện Kiều. Trong bài thơ chữ Hán: Thanh minh ngẫu hứng, ông đã tự nhận:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ,
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.

(Tiếng hát nói thôn xóm giúp ta học những câu tả về trồng dâu, trồng gai; Tiếng khóc nơi đồn nội như nhắc lại thời chiến tranh).

Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn sử dụng khá nhiều ca dao mang âm hưởng xứ Nghệ, hoặc sửa đổi chút ít, ví như:
Câu 85:      
Phủ phàng chi bấy hoá công
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

Ca dao:
                                           Con cò lặn lội bờ sông
Ngày xuân mòn mỏi má hồng phôi pha.
Em về méch mệ cùng cha
Chợ trưa, dưa héo nghĩ mà buồn ru.

 Câu 1011 :             

Người còn thì của hãy còn
Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà

Ca dao:
Người còn thì của cũng còn
            Miễn răng nhân nghĩa vuông tròn thì thôi

 

Câu 1755:
Ở đây tai vách mạch rừng,
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi

Ca dao:

Ở đây tai vách mạch rừng
        Người trong chưa rọ người ngoài đã hay.
Câu 568:
Này ai đan dậm , giật giàm bỗng dưng

Thành ngữ:
 Đan dậm, giật giàm. 
(Tiếng Nghệ Tĩnh dậm là cái để bắt cá, giàm là cái que xâu ngang mũi trâu. Để miêu tả cảnh gia đình Thuý Kiều bị hãm hại một cách vô cớ, bị vu oan giáng hoạ, Nguyễn Du trong khuôn khổ của truyện thơ, không thể viết nhiều, chỉ bằng thành ngữ ấy thôi cũng đủ để bạn đọc hiểu hết căn nguyên của vấn đề)
          Những chất liệu từ đời sống văn nghệ dân gian như ca dao, tục ngữ, thành ngữ đã được Nguyễn Du khai thác để miêu tả thiên nhiên và tâm trạng nhân vật. Và như vậy, dấu ấn của văn học dân gian với sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ, hình tượng, cách diễn đạt đã góp phần giúp Truyện Kiều trường tồn với thời gian và nhân loại. 
Không ai phủ nhận Nguyễn Du là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trong vốn từ tiếng Việt mà ông sử dụng, người ta không thể phân biệt được đâu là từ tiếng Việt, đâu là từ do Nguyễn Du tạo nên. Nguyễn Du đã tạo ra hàng loạt ngôn từ không có trong thực tế, cũng không có trong từ điển thông thường mà theo ông Trần Đình Sử đó là những ngôn từ ý tượng (là hình ảnh chỉ nảy sinh trong tâm tưởng , không phải là hình ảnh sao chép thực tại ) có cấu tạo riêng, nói lên sự cảm thụ chủ quan của tác giả. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin dẫn ra một số ví dụ cho việc tạo ra từ mới của đại thi hào mà đến nay không chỉ người dân xứ Nghệ sử dụng mà trở thành vốn ngôn ngữ toàn dân cho cả cộng đồng người Việt:
Nói tới tấm lòng thì ông gọi là “tấm riêng , tấm yêu , tấm son ,tấm thành hoặc tấc cỏ ,tấc riêng , tấc son, tấc lòng” …
Cùng là gió mà có bao nhiêu thứ gió như : “gió mưa , gió trăng , gió trúc mưa mai, gió tựa hoa kề , gió tủi mưa sầu” …
Nguyễn Du đã phá vỡ cách tạo từ thông thường để tạo từ mới gây hiệu quả lạ hoá . Nhà thơ cũng đã phá vỡ nhiều cấu trúc cố định để tạo thành những kết hợp không đâu có. Chẳng hạn : “ăn gió nằm mưa”, “bướm chán ong chường”, “bướm lả ong lơi”, “cười phấn cợt son”, “liễu chán hoa chê”, “ngày gió đêm trăng”, “nắng giữ mưa gìn”. Nguyễn Du là người đầu tiên mang đến cho ngôn ngữ Việt Nam cái mùi hết sức khác lạ: “mùi nhớ”. Với Nguyễn Du thì nỗi nhớ người yêu cũng có hương vị riêng. Đây là một cách nói hết sức hiện đại. Với cách dùng từ hiện đại kiểu như “mùi nhớ”, “lá gió”, “cành chim” (Dập dìu lá gió, cành chim), “ngậm gương” (Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương)... đại thi hào đã góp phần đưa ngôn ngữ dân tộc lên một tầm cao mới.
Như trên đã nói, tuy không phải là những mĩ từ nhưng “hương âm” của xứ Nghệ vẫn đồng vọng trong tâm thức người đọc tạo nên những thanh âm thú vị trong dòng chảy lục bát Truyện Kiều. Lã Khôn đời Tống đã cho rằng “Ngôn ngữ đẹp nhất là ngôn ngữ giản dị nhất”.  Đúng thế! Ngôn ngữ Truyện Kiều đẹp và mang một sức sống lâu bền bởi được chắt lọc từ  sự giản dị mà tinh diệu trong ngôn ngữ đời sống của người dân xứ Nghệ…Điều chúng ta trân trọng và gìn giữ là hương âm xứ Nghệ thân thương. Đó là thứ “hương âm vô cải” đã góp phần làm nên vẻ đẹp kì ảo, lung linh của lục bát Truyện Kiều.
Khi nói đến ngôn ngữ Truyện Kiều là nói đến một thứ ngôn ngữ tinh lọc, bác học đạt đến sự tài hoa nhưng nét tài hoa không chỉ là cái đẹp của sự hoàn mĩ của chữ Nôm người Việt mà nó còn đẹp và duyên dáng trong tiếng nói của người xứ Nghệ. Giáo sư Vũ Khiêu từng nói: “Nguyễn Du là sự kết tinh của văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Kinh Bắc với văn hóa Tràng An để rồi hòa nhập vào văn hóa thế giới với khuôn mặt không thể trộn lẫn. Với những tác phẩm chất chứa tinh thần nhân đạo, ngòi bút đầy rung cảm và tài năng văn chương lỗi lạc, nhất là Truyện Kiều Nguyễn Du đã làm đẹp thêm văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Việt Nam”. Phải một ngôn ngữ Việt, một tiếng Việt như tiếng Việt của Nguyễn Du trong Truyện Kiều mới chất chứa, chuyển tải được tất cả những phẩm chất ấy. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng thổn thức:
“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc.
Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.”

Hà Tĩnh, hè 2020

(Hoàng Thị Hồng Thắm – GV Trường THPT Nguyễn Đình Liễn,
 Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)
Nguồn: http://hatinh.edu.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Cuộc đời - sự nghiệp

Tư liệu lịch sử

Nghiên cứu, thảo luận