Truyện ngắn: Bệnh dịch

HNTĐ

Đôi khi sự kỳ thị còn hơn cả bệnh dịch, cô có thấy vậy không. Bệnh dịch, nhanh hay chậm, sớm hay muộn, một lúc nào đó người ta sẽ tìm được cách để kiểm soát và triệt tiêu đi. Còn sự kỳ thị thì không.

Cứ như một thói quen đã thành lịch trình, trước khi đến bệnh viện cho ca trực đêm, Đan Anh sẽ ghé ngang nhà chú tư Cảnh bán tạp hóa ở đầu đường. Không phải cô cần mua gì mà suốt hơn một năm nay, từ khi bà Hai mẹ chú tư,nằm một chỗ vì đủ thứ bệnh của người già, cô đã nhận lời mỗi ngày qua nhà để chăm sóc ống thông tiểu cũng như theo dõi những chỉ số sinh tồn như mạch và huyết áp. Khoảng mấy tháng nay, bà lại có thêm vài vết loét ở lưng do bất động lâu ngày, Đan Anh lại kiêm luôn việc rửa và thay băng.

- Hôm nay mọi thứ của bà vẫn ổn hả?

Chú Tư hỏi khi vẫn ngồi trên chiếc ghế nhựa ở hàng hiên, mắt vẫn không rời chiếc điện thoại di động. Hình như chú đang theo dõi tin tức vê dịch bệnh đang được cập nhật hàng giờ.

- Vết loét cũng gom lại, khó mà lành được như ban đầu, nhưng chắc thế này thì không nhiễm trùng thêm đâu ạ. Mọi thứ khác vẫn ổn nha chú.

Đan Anh nói rồi cười mỉm, như thói quen giao tiếp bắt buộc trong công việc của mình. Nhưng rồi cô chợt nhận ra, mình vừa làm một động tác thừa vì vốn dĩ người đang trò chuyện không hề nhìn mặt cô. Cô thở hắt ra một cái rồi thu dọn những dụng cụ mình vừa dùng. Cô nói vài câu với bà Hai như thông lệ. Mắt bà long lanh hơn mọi hôm, cũng có chút sức sống hơn tuần trước. Lần này Đan Anh tự tin nở một nụ cười, vì biết, người nằm đó đang chăm chú nhìn mình.

Khi Đan Anh đi vào bồn rửa tay phía sau thì ngang qua chỗ thím Tư Cảnh đang ngồi xem tivi. Tin tức trên đài truyền hình cũng là những thông tin về tình hình dịch bệnh ngày một phức tạp hơn ở Trung Quốc. Kết thúc bản tin, phát thanh viên gửi đến khán giả một bản tổng kết những ca đã mắc trên toàn thế giới, thống kê theo quốc gia. Ở Việt nam đã chạm ngưỡng con số 9.

- Bệnh dịch gì ghê quá.

Thím Tư nói. Đan Anh tháo đồng hồ đeo tay ra và bắt đầu rửa tay. Vừa rửa, cô vừa trấn an :

- bệnh dịch này nguy hiểm thật nhưng ở Việt Nam chưa có người chết, những ca mắc đều đã được cách ly và điều trị. Phần nào, như báo đài cũng nói, tình hình ở mình vẫn kiểm soát được. Chỉ cần tuân thủ những khuyến cáo, như đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế đến chỗ đông người, thì sẽ không sao. Chú thím cẩn trọng nhưng cũng đừng hoang mang quá.

- Kiểm soát ? Thật không con, vậy thím cũng đỡ lo. Chú Tư mày đọc trên mạn mấy cái tin gì mà nghe thấy bảo nhiều người bị rồi chết nữa, ở việt Nam mình luôn chứ.

- Một số nguồn tin sai sự thật, phóng đại, câu like, thôi. Mình nên nghe tin của mấy kênh chính thống thôi.

Thím Tư gật đầu ra vẻ hiểu biết. Chợt như Đan Anh thấy trong ánh mắt của người phụ nữ này nhìn mình có gì khác lạ. Nhưng vì đã đến giờ làm, nên cô đành gác cảm giác đó lại và nói lời chào.

Đan Anh vừa lên xe, mở máy và đi được chừng năm mét thì nhớ ra mình bỏ quên cái đồng hồ. Không quý giá hay hàng hiệu gì, nhưng công việc của cô, việc không có đồng hồ là điều cấm kỵ. Cô quay đầu xe trở lại tiệm tạp hóa.

Chú Tư Cảnh đã không còn ở chiếc ghế nhựa chỗ hàng hiên. Đan Anh dựng xe và bước vào thì vừa nghe thấy tiếng chuyện trò. Giọng của Thím tư :

- Con bé ấy, nó làm trong bệnh viện, không biết có lây nhiễm gì không ?

- Cái bà này ! – Giọng chú Tư ra chiều phật ý khiến Đan Anh tưởng tượng khuôn mặt chú đang nhíu mày- Đan Anh làm điều dưỡng trong một bệnh viện chuyên khoa về mạch máu não,khoa thần kinh gì đó, bà không nghe thấy là những người mắc bệnh dịch ấy sẽ vào khoa nhiễm hoặc bệnh viện Nhiệt Đới sao?

- Nói thì nói vậy. Nhưng nghe đến bệnh viện là tui thấy sợ rồi, chẳng biết được đâu, tốt nhất cũng nên hạn chế. Hay từ mai ông bảo nó khỏi qua.

- Con bé có lòng, cả năm nay, giúp cho má mình như vậy,mà có lấy đồng xu nào, thỉnh thoảng nó mua đồ tui không lấy liền, nó còn không chịu. Giờ bà nói vậy, sao được...Huống chi chuyện chăm sóc má...

- Tui sẽ tự làm. Chắc sẽ khó khăn, còn hơn, con bé cứ gieo rắc vi trùng lung tung, lỡ lây bệnh gì đó, rồi lăn ra chết mà không hiểu tại sao. Cẩn tắc vô ấy náy !

- Tui đến mệt với bà ...ơ, Đan Anh...

Chú Tư Cảnh quay ra thấy cô đã đứng đó từ lúc nào. Đan Anh định nở một nụ cười để khiến cho mọi người không phải khó xử sau tất cả những lời vừa rồi. Nhưng cô thấy, trên tay thím Tư lúc này là một bình xịt, kiểu giống như bình xịt khử khuẩn trong bệnh viện cô hay dùng. Hình như thím vừa xịt quanh bồn rửa tay. Cô đành thu nụ cười lại- lần thứ hai trong một buổi chiều-, chép miệng rồi nói:

- Con bỏ quên đồng hồ!

2.

Ca trực đêm không yên bình.

Hai trường hợp mới nhập vào khoa cần theo dõi sát, cùng với một trường hợp cũ trở nặng, khiến Đan Anh gần như không đặt mình xuống ghế được, chứ đừng nói chi đến chuyện chợp mắt. Sáng ra, cô còn phải ngồi lại thêm hơn ba mươi phút để hoàn tất những hồ sơ hành chính mà tối qua mình làm không kịp. Dù đã quen với công việc từ nhiều năm, nhưng những đêm trực kiểu này vẫn vắt kiệt sức cô.

Thông thường, sau giờ làm đêm,sáng hôm sau cô vẫn sẽ chạy xe về nhà. Nhưng hôm nay, Đan Anh cảm thấy không được thoải mái trong người. Cổ họng cô hơi khô, chắc tại lúc tối cô làm không kịp thở nên không có thời gian uống nước. Đầu óc cô cũng nhưng đang đánh đu, có gì đó không được tỉnh táo. Vậy nên cô quyết định sẽ gọi xe từ một hãng xe ôm công nghệ. Nhưng loay hoay một lúc trước cổng bệnh viện, Đan Anh vãn chưa tìm được tài xế nhận chuyến từ hệ thống. Đang lúc mệt mỏi nhất thì chợt có một chiếc xe tay ga kiểu nữ, khá thời trang, trờ tới. Người lái mặc một chiếc áo trễ cổ, quần iean lưng cao bó sát phần thân dưới. Khi chiếc xe dừng lại hẳn, chủ nhân của nó kéo chiếc khẩu trang đang đeo xuống và gọi :

- chị Đanh ! Mới ra trực hả chị !

Khi nhìn chiếc xe và vẻ phục sức bên của người lái, Đan Anh đã đoán được cô gái này là ai. Thêm cách gọi cô như vậy, thì cả thành phố này chỉ đúng có mỗi người đó thôi.

- Cát đó à? Tối qua em cũng làm đêm à?

Cô vờ hỏi, dù biết gần như cả tuần cô bé này luôn làm đêm chứ không xen kẽ ngày đêm như cô. Cát là một cố gái có nhan sắc. Làn da trắng bắt mắt, cùng với những đường nét thanh tú trên khuôn mặt luôn khiến cho người khác phái phải chú ý.Thân hình Cát mảnh khảnh nhưng cũng đủ vừa những đường cong gợi lên sự quyến rũ. Cát nhỏ hơn Đan Anh chừng ba tuổi. Cả hai có thời gian sống gần như ở một vùng ngoại ô trước khi chuyển vào trung tâm thành phố vì việc học rồi đi làm như bây giờ. Vậy nên, Cát biết cái tên gọi thơ ấu mà bạn bè hay chọc Đan Anh.

- Chị Đanh về nhà luôn phải không ? Hình như chị không đi xe thì phải? Em cũng về nè, em chở chị luôn .

Thông thường chắc Đan Anh sẽ từ chối. Nhưng hôm nay sự uể oải của cơ thể khiến cô tạm gác những thành kiếncủa mình lại.

Cô không có thiện cảm với Cát. Nếu không muốn nói là có phần khinh thị với những câu chuyện cô nghe râm ran quanh Cát. Cát làm lễ tân trong một khách sạn gần bệnh viện của Đan Anh. Loại khách sạn mà bây giờ người ta gọi là "khách sạn giờ" hay "khách sạn tình yêu". Đan Anh cũng nghe vài ba tin đồn không hay rằng Cát không chỉ đơn thuần làm một cô lễ tân, trước khi tận mắt chứng kiến cô bé để một người đàn ông đặt tay lên chỗ nhạy cảm của mình trước cửa khách sạn.

Vậy nên dù có nhiều mối liên hệ, nhưng Đan Anh gần như không bắt chuyện, thậm chí né tránh Cát, và trước mặt người khác thì tỏ vẻ không quen với cô bé dù căn nhà nhỏ của cô nằm ngay cạnh dãy phòng trọ mà Cát đang ở.

Trên đường về, hình như Cát nói rất nhiều thứ, loanhquanh chuyện bệnh dịch, rồi không quên ôn lại chuyện ở vùng ngoại ô lúc trước. Đan Anh ậm ờ cho qua chuyện. Phần vì không thích Cát, phần khác vì đầu óc cô thật sự trống rỗng, cứ như có cái gì đó quay quay bên trong chứ không phải bộ não của cô thường khi.

Cho đến lúc, Đan Anh chợi thấy khô cổ và ho lên vài tiếng.

- chị không khỏe hả chị Đanh !

- à không, chị khát nước thôi, mà em đang nói gì nhỉ?

- À, em vừa nói về gã đàn ông thuê căn phòng sát vách nhà chị ấy.

Theo Cát, người đan ông đó tên Khải, chắc khoảng hai mươi mấy tuổi và là một gã trai bao. Đan Anh tiếp tục nghe Cát nói về gã bằng thứ ngôn ngữ suồng sã và nhiều câu chuyện khó nghe . Kiểu như khi cát làm lễ tân trong khách sạn, cô đã thấy Khải vào đó cùng với một quý bà chắc không dưới năm mươi.Mà cách gã vuốt ve và nói những lời âu yếm khiến Cát muốn nôn tháo.

- Cho chị xuống đây!

Đan Anh khều vai Cát khi cô bé vẫn đang huyên thuyên về Khải. Chỗ hai cô gái đang dừng lại cách tiệm tạp hóa của chú Tư Cảnh chừng mười mét, nghĩa là cũng còn một đoạn mới đến nhà của Đan Anh.

- cảm ơn nhé Cát, chị ghé mua chút đồ, em về trước đi.

Cát cười rồi nói lời tạm biệt,dường như không hề nghĩ suy một chút nào về hành động của Đan Anh. Dù thật ra, điều Đan Anh muốn là không để ai thấy cô về chung một cô gái mà chính bản thân cô cho là không ra gì. Và cả khu phố này cũng có ý nghĩ đó về Cát.

Nhưng chừng khoảng hai phút sau thì Đan Anh thấy Cát quay đầu xe lại. Cô hơi giật mình khi thoáng thấy phần mặt không bị che bởi khẩu trang đang đầy vẻ khó chịu của Cát. Nhưng khi thấy Đan Anh, ánh mắt cô bé lại dịu hẳn đi, cứ như là đang cười.

- Em gặp gã trai bao đang đứng ở đầu ngõ. Em không muốn bị gã ám hết cả ngày của em. Em sẽ đi một vòng cho thanh lọc không khí đã.

Cát nói rồi kéo khẩu trang lên, cúi chào Đan Anh rồi vặn tay ga đi mất. Đan Anh cảm thấy Cát rất ghét gã đàn ông tên Khải kia. Cũng giống như một sự kỳ thị.

Chợt Đan Anh nhận ra, mình cũng vừa kỳ thị Cát đó thôi. Còn Cát thì kỳ thị gã trai baokia.Gã trai bao chắc cũng kỳ thị một ai đó. Mà cũng như Cát, gã cũng sẽ không biết mình đang bị một ai khác kỳ thị như một thứ bệnh dịch. Đan Anh tự dưng liên tưởng đến khái niệm "chuỗi thức ăn" mà mình từng học trong môn sinh học thời phổ thông. Liên tưởng đó khiến cô tủm tỉm cười một mình. Nhưng nụ cười đó tắt ngúm khi cô tự hỏi, vậy có ai đang kỳ thị mình không nhỉ?

Ngay lúc đó cô thấy tiệm tạp hóa của chú Tư xuất hiện trước mặt. Nhớ lại câu chuyện nghe được chiều qua ở đây, không hiểu sao,tự nhiên cổ họng cô lại khô rát và thứ gì đó bên trong đầu lại quay như chong chóng.

Đan Anh ghé vào mua một hộp cà phê hòa tan và một ít thức ăn vặt. Chú Tư Cảnh đắn đo một hồi rồi nói lời xin lỗi vì sự thiếu tế nhị của vợ mình chiều hômqua. Nhưng Đan Anh lễ phép bảo đó là suy nghĩ rất bình thường, chú không nên bận tâm. Chú Tư nghe vậy cười tươi và dặn cô chiều nay vẫn ghé để chămsóc cho bà Hai nhé.

- Mà nè, con có thấy khu mình dạo này có mấy người lạ ra vào không ?

Đan Anh cũng không để ý lắm. Với lại, đang cao điểm mùa dịch, nên hầu hết, mọi người đều đeo khẩu trang, khó lòng mà nhận ai ra ai được nữa. Nghĩ vậy,Đan Anh khẽ lắc đầu rồi chào chú Tư để tản bộ về nhà.

Khi ngôi nhà quen thuộc hiện lên trong tầm mắt, Đan Anh cũng tiện thể nhìn sang con hẻm nhỏ dẫn vào dãy phòng trọ của Cát để xem có "gã trai bao" mà cô bé đề cập không. Nhưng hình như gã đã đi khỏi.

Ngay lúc Đan Anh vừa tra chìa khóa vào ổ khóa nhà mình, thì chợt có một bàn tay đặt lên vai cô. Thoáng chút giật mình, cô quay lưng lại, hất nhẹ vai lên cho rớt bàn tay kia xuống và lui vào thế phòng vệ.

Đứng trước mặt cô là một người đàn ông, dĩ nhiên, trong thời điểm hiện tại, ai cũng đeo khẩu trang. Phần trên khuôn mặt là một làn da sù sì, vài vết đồi mồi cùng những nếp nhăn xếp thành mấy hàng ngang trên trán.Nửa gương mặt này vừa lạ lại vừa quen. Nhưng cuộc truyện trò khi nãy về mấy kẻ lạ mặt với chú Tư khiến Đan Anh không khỏi cảnh giác.

- Tôi ở nhà đối diện.

Vừa nói, người đàn ông kéo khẩu trang xuống. Lúc này Đan Anh mới nhận ra đó là ông hàng xóm Việt kiều Mỹ. Đan Anh lục lọi trong trí nhớ dể tìm ra tên của người đàn ông chắc cỡ tuổi cha mình, nhưng cô không sao nhớ ra.

- Bắt chuyện với cô thế này thật thất lễ, nhưng tôi cũng chỉ muốn tốt cho cô thôi. Tôi có chút chuyện muốn nhờ cô. Nhưng nếu được, chúng ta có thể vào nhà để nói chuyện không? Ở ngoài thế này, sẽ bất tiện cho cô .

Đan Anh nheo mắt nhìn vị khách đường đột. Lời nói, cử chỉ,sự thấp thỏm và cả cách ông ta ngoái đầu nhìn dáo dác xung quanh đều toát lên vẻ khả nghi .Nhưng ánh mắt của ông khi nhìn thẳng vào Đan Anh thì lại đầy vẻ thành khẩn, có chút gì đó ra mang màu sắc cầu cứu đến tội nghiệp. Những rào cản tự vệ trong lòng Đan Anh gần như tháo xuống.

3.

Một vài việc ngoài dự định vào buổi sáng ngày ra trực khiến cho giấc ngủ bù của Đan Anh bắt đầu muộn hơn, nhưng cũng gần hơn hai giờ chiề, như thường lệ, cô đã thức giấc.

Chuẩn bị qua loa một bữa ăn tạm gọi là ăn trưa, rồi cô ngồi bên cửa sổ định vừa nghe một vài bản nhạc yêu thích vừa đọc tin tức thì lại thấy hình ảnh cảu cặp vợ chồng Việt Kiều Mỹ ở khung cửa sổ nhà đối diện.

Đan Anh nhớ lại câu chuyện sáng nay. Người đàn ông ấy sau khi tự giới thiệu mình tên Loan, và vợ mình tên Hằng, cũng nhanh chóng đề cập vấn đề chính. Bà Hằng bị tăng huyết áp. Nhưng chiếc máy đo huyết áp điện tử, chỉ cần bấm nút là hiện ra trị số,lại bị hỏng. Việc không theo dõi được huyết áp khiến cho bà Hằng cảm thấy bất an. Vài ngày trước ông Loan phải đưa bà đi bệnh viện cho yên tâm. Nhưng tình hình của bà thì không có lý do gì phải nhập viện cả, nên các bác sĩ lại cho về. Ở nhà, thì sự lo lắng lại khiến huyết áp bà dao động, và cảm thấy mệt hơn. Vòng luẩn quẩn ấy khiến hai vợ chồng gần sáu mươi tuổi khốn khổ suốt mấy ngày. Cho đến khi ông Loan vô tình tah16y Đan Anh cầm máy đo huyết áp chuyên dụng cho nhân viên y tế sang nhà chú Tư cảnh.

- Vậy bác muốn con đo huyết áp cho bác gái phải không? Theo dõi được trị số bác gái sẽ đỡ hoang mang, phải không ạ?

- Cô hiểu được vậy thì may mắn cho tôi quá. Tôi vẫn đang không biết giải thích làm sao về việc hay lo của bà ấy .

Đan Anh cười và nói, cô cũng hay gặp những bệnh nhân có bệnh huyết áp mang tâm lý tương tự. Ông Loan nghe vậy, khuôn mặt dãn ra một chút, nhưng rồi những nếp nhăn lại xếp hang trên trán ngay tức khắc.

- Nhưng có chuyện này tôi phải nói luôn cho cô biết. Rồi cô có muốn sang bên nhà tôi không, thì tùy, tôi không ép nhé.

Khi ông Loan nói về mục đi bắt chuyện với Đan Anh, cô đã gỡ được nút thắt trong long. Nhưng rồi vẻ mặt đầy ẩn ức cùng cách nói chuyện rào đón kỳ lạ của ông lại khiến cô gợn lên những hoài nghi.

- Thế này, cô cũng biết, vợ chồng tôi từ Mỹ về hai tuần trước. Mà giờ những người như chúng tôi, mọi người cảnh giác lắm. Sợ lây bệnh, sợ chúng tôi mang mầm bệnh. Kiểu vậy. Nhưng cô xem nè, đây là vé máy bay của tôi, chúng tôi bay thẳng từ bên đó về, không quá cảnh những nơi đang có dịch. Hai vợ chồng tôi đều không sốt, không ho, không ...

Đến lúc đó, Đan Anh mới vỡ lẽ những gì đang diễn ra quanh người đàn ông gần sáu mươi tuổi này. Và Đan Anh cũng hiểu tại sao nãy giờ, từ khi vào nhà cô và nói chuyện, ông vẫn không tháo khẩu trang xuống. Ông tự trọng và ý thức được cách nhìn của những người xung quanh về mình. Chợt cô hiểu được sự ẩn ức, trong vẻ mặt của ông khi cậy nhờ cô. Vẻ mặt của một người bị bỏ lại, cô đơn và sợ hãi, khi cảm thấy mình không khác gì một mầm mống nguy hiểm trong mắt người khác, một cái gai cần bị nhổ bỏ.

Dĩ nhiên, vừa cẩn trọng, vừa đủ kiến thức để bảo vệ mình, Đan Anh nhận lời sang nhà ông Loan. Mọi việc suôn sẽ với những lời trấn an từ cô nên bà Hằng cảm thấy yên tâm hơn. Trước lúc về, ông Loan cảm ơn ríu rít và gửi cô một ít bánh kẹo từ Mỹ. Lúc này cô mới để ý, trong nhà còn rất nhiều những gói quà là bánh kẹo như thế.

- Chúng tôi định biếu cho bà con và hàng xóm. Nhưng thời điểm chúng tôi về thì ...Mọi chuyện thế đó. Mọi người cũng không muốn gặp chúng tôi, nhận quà như vậy chắc cũng lo. Tôi hiểu cho họ mà.

Ông nói, cố tỏ ra bình thản và thông hiểu nhưng vẫn pha chút gì đó cay đắng. Rồi ông bước ra cửa, lại nhìn qua nhìn lại rất cẩn thận trước khi nhìn về phía Đan Anh như ra hiệu cô ra được rồi.

- Cô đừng hiểu lầm. Tôi chỉ muốn tốt cho cô thôi. Họ mà thấy cô tiếp xúc với chúng tôi, không khéo họ lại cách ly luôn cả cô. Tôi không muốn vì giúp nhà tôi mà cô bị thiệt thòi.

Đến đây, Đan Anh mới xâu chuỗi được một loạt hành động kỳ quặc trước đó của ông Loan. Cô thở dài :

- Bác, bác có thể giải thích với họ như cách bác đã giải thích với con lúc nãy. Con cảm thấy rất thuyết phục.

Ông nhìn cô không chớp mắt, rồi nở một nụ cười có gì đó chua chát.

- họ không nghe đâu.

Thì ra hai ông bà có một cậu con trai. Cậu này mấy năm trước bị nghi ngờ giết người. Rồi trong quá trình điều tra, cậu không chịu được áp lực đã tự kết liễu cuộc đời mình. Còn hai ông bà, mang thân phận là cha mẹ của kẻ sát nhân, chịu đủ gièm pha, điều tiếng, đến nỗi phải di dân theo người con gái sang Mỹ. Mỗi năm, đến ngày dỗ của người con trai, họ mới về Việt Nam để cúng bái và tưởng niệm.

- Vốn dĩ họ đã không muốn nghe cúng tôi nói, thêm những tin tức chẳng biết thực hư trên mạng nữa, chuyện cũ chuyện mới,gần như họ cô lập chúng tôi những hai vòng kẽm gai.

Ông nói đùa, nhưng không ai cười nỗi. Rồi khi Đan Anh đang lựa lời để làm khuây khỏa sự bức bối của ông thì ông thở ra và nói một câu mà cô ám ảnh mãi về sau.

- Đôi khi sự kỳ thị còn hơn cả bệnh dịch, cô có thấy vậy không. Bệnh dịch, nhanh hay chậm, sớm hay muộn, một lúc nào đó người ta sẽ tìm được cách để kiểm soát và triệt tiêu đi. Còn sự kỳ thị thì không.

Bây giờ ngồi nhìn cặp vợ chông già ấy từ bên này cửa sổ, Đan anh nhớ lại cuộc chuyện trò lúc sáng, lòng không khỏi có nhiều suy nghĩ. Nhưng rồi cổ họng cô lại khô rát đến khó chịu. Và hình như giấc ngủ vừa rồi vẫn chẳng khiến cơn đau đầu đi khỏi. Cô nhắm mắt lại một hồi lâu để cho các giác quan được thư giãn .Nhưng khi cô vừa cảm thấy dễ chịu hơn một chút thì có một tiếng hét thất thanh vang lên. Hình như từ phía bên kia đường. Đan Anh mở mắt ra và những gì cô thấy là khuôn mặt hốt hoảng của ông Loan ở bên kia cửa sổ.

Gần như đoán được có chuyện không hay, Đan Anh chạy ngay sang nhà đối diện. Bà Hằng bị trượt té, và đang nằm bất động. Đan Anh kiểm tra thấ mạch đập và nhịp tim vẫn còn nhưng lay gọi bà thì không thấy phản ứng. Ông Loan có vẻ bối rối và gần như chỉ ngồi xoa chân vợ một cách tuyệt vọng. Đan Anh hiểu mình cần thêm sự hỗ trợ.

Cô lao ra ngoài và tri hô.

Một số cánh cửa gần đó được mở ra.

Một vài người chớm bước lại ngôi ngôi của ông Loan, nhưng rồi như nhớ ra điều gì và dừng lại. Một số khác thì bị bàn tay của những người còn ở trong nhà níu lấy.

Chợt câu nói của ông Loan lúc sáng vang vọng trong đầu cô.

"Đôi khi sự kỳ thị còn hơn cả bệnh dịch"

Khi sự thất vọng lên ngôi, Đan Anh bắt đầu suy nghĩ cách một mình xử lý thì chợt có một thân người đàn ông lao vào nhà. Phải mất vài giây, Đan Anh mới nhận ra đó là Khải, gã trai bao theo lời kể của Cát.

Khải gần như biết phải làm gì khi Đan Anh còn chưa kịp nhờ. Gã móc điện thoại gọi cấp cứu. Sau đó gã dìu ông Loan sang giường khi thấy ông cũng có vẽ không ổn để Đan Anh tập trung đánh giá tình trạng và sơ cứu cho bà Hằng. Cô thử phản xạ đau bằng cách day xương ức. Vẫn còn phản ứng.Thấy vậy, cô cố gắng lay gọi bà và hình như là bắt đầu có sự hồi tỉnh. Một lúc sau thì bà mở mắt ra, trả lời được Đan Anh nhưng vẫn khá yếu ớt. Vừa lúc đó, xe cấp cứu cũng đến.

4.

Chẳng biết ai ác miệng mà nói rằng bà Hẳng bị viêm phổi do con virus đang gây dịch mà phải đi cấp cứu. Những người xunh quanh vì thế càng tránh xa ngôi nhà của ông Loan từ buổi chiều hôm đó. Đan Anh cũng không ngờ mình bị vạ lây.

Từ bệnh viện trở về, sau khi xac định bà Hằng chỉ vì hoảng sợ nên ngất đi, huyết áp cũng tăng cao một chút chứ không quá nguy hiểm, Đan Anh định ghé vào nhà chú Tư Cảnh như đã hứa. Nhưng vừa bước gần tới thì cô thấy chú Tư thay vì niềm nở như mọi khi lại lật đật đeo một lúc hai cái khẩu trang.

Đan Anh biết chú đang nghĩ gì liền giải thích ngọn ngành câu chuyện. Chú Tư Cảnh có vẻ bớt căng thẳng nhưng vẫn không có vẻ gì là muốn Đan ANh bước vào nhà. Thím Tư thì nấp ở đâu đó phía bên trong nói vọng ra những câu đuổi khéo.

- Thôi, hôm nay chăc con cũng mệt rồi, con về nghỉ đi.

Đan Anh định nói gì đó, nhưng cổ họng lại khô khiến cô bật ra một tràn ho liên hồi. Khi cô trở lại trạng thái bình thường, thì cô thấy chú Tư cũng đã chạy thẳng vào nhà trong. Đan Anh biết rằng giờ nói gì cũng không ý nghĩa nên đành thôi cô quay về nhà.

Con đường từ tiệm tạp hóa đến nhà cô thật ra rất ngắn. Nhưng những ánh nhìn nấp sau khung cửa và những tiếng rầm rì khiến cô cảm thấy đoạn đường hôm nay thật xa.Mỗi lần cô ho thành tiếng lại nghe đâu đó những âm thanh kiểu như "Thấy chưa, thấy chưa".

Khi Đan Anh về tới trước nhà thì thấy một người đang chờ cô ở đó.

Khải nở một nụ cười thân thiện. Lúc này, cô mới có thời gian nhìn kỹ vẻ ngoài của gã. Đúng là nét đẹp trai thư sinh mà chắc nhiều phụ nứ sẽ thích.

- tôi muốn hỏi thăm tình hình của...

Có lẽ gã không biết tên của người bị nạn lúc chiều. Gã đưa tay chỉ sang nhà ông Loan, nháy mắt và nhún vai rồi kết thúc toàn bộ cử chỉ của mình bằng một nụ cười điển nhã.

Đan Anh định trả lời nhưng chợt lại thấy có gì đó không ổn. Cô chóng mặt và chao d0a3o d0e61n suýt ngả. Nhưng gã kịp đưa tay ra đỡ.

- Tôi nghĩ chắc tôi nên dìu cô vào nhà trước.

Gã nói, giọng nói lẫn cử chỉ đều rất dịu dàng.

Vào trong nhà, uống một ít nước và ngồi tựa lưng, Đan Anh thấy đỡ hơn.

- Nếu anh muốn hỏi về chuyện mà mọi người đang râm ran rằng bà ấy bị viêm phổi...

- Mẹ tôi nằm bệnh viện thường xuyên đến mức tôi quen biết được một chị bác sĩ, và nhờ vậy tôi cũng được phổ cập có một số kiến thức nhất định. Nên những gì tôi thấy lúc chiều,tôi nghĩ không phải những gì mà mấy người quanh đây đang nói.

Khải vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên, rồi lại trưng ra nụ cười khi nãy. Cách nói chuyện và cốt cách có phần lịch thiệp của gã, khiến Đan Anh tự hỏi, thông tin về "nghề nghiệp nhạy cảm" của gã mà Cát nói với cô, liệu có đúng không. Nhưng gần như ngay lập tức, gã dội một gáo nước lạnh vào sự ngờ vực của Đan Anh.

- Mà cô chắc cũng nghe mọi người quanh đây nói về tôi mà, một tên trai bao như tôi có khi đã mắc một căn bệnh khác rồi ấy chứ, dịch bệnh của thế kỷ ấy. – Gã nói rồi cười lớn- Nên nếu như cô thắc mắc tôi lấy đâu sự quả cảm để hành động như lúc chiều, thì chắc là vì tôi nghĩ, mình cũng chả có gì để mất.

Đan Anh ngồi thẳng lưng dậy. Có vẻ người đàn ông trước mặt cô cũng nhận về mình đủ nhiều những ngón tay chỉ trỏ, nhưng lời xầm xì. Tự nhiên Đan Anh cảm thấy gã có gì đó giống với ông Loan.

Cô giải cho gã về tình hình của bà Hằng. Gã có vẻ thở phào khi biết bà ấy không sao.

- Vậy thì tôi cũng yên tâm. Mà cô nè, tôi xin lỗi vì mấy lời vừa nãy, không hiểu sao tôi lại nói vậy với cô nữa.

Đan Anh mỉm cười, bảo không sao. Cô nghĩ chắc những người như Khải, như ông Loan, mức độ tự vệ bằng những lời chua chát cho bản thân chắc ở mức độ nhạy cảm cao hơn bình thường.

- Tôi không có ý gì, tôi cũng không nghĩ cô lây các bệnh viêm phổi gì đó, nhưng hình như cô không khỏe, nên chắc cô nên nghỉ ngơi hoặc là đi khám..à, tôi lại nhiều chuyện rồi, cô làm trong ngành y tế mà.

Gã nói,rồi xua tay, kết thúc lại bằng một nụ cười.

Đan Anh chợt nhớ, hình như gần một ngày vừa rồi, gã là người đầu tiên nói những lời quan tâm đến sức khỏe của cô.

Khi tiễn gã về, cô phát hiện hình như nãy giờ hàng xóm xung quanh lại tụm lại với nhau và quăng những ánh nhìn ác cảm về phía nhà cô. Khải cũng có vẻ hiểu chuyện. Và hình như điều đó khiến sự chua cay của gã lại bộc phát :

- Cô chuẩn bị tinh thần nhé, chắc ngày mai người ta sẽ đồn cô bị một lần những hai bệnh truyền nhiễm đó.

Như lúc nãy, gã vừa nói, vừa cười lớn.

Những nhóm người đang tụ tập chỉ vội vã chạy vào nhà khi thoáng thấy ông Loan xuất hiện sau lưng một tài xế xe ôm công nghệ. Hình như ông vừa về từ bệnh viện. Người tài xế vừa nhận tiền vừa nói nốt câu chuyện đnag nói dở với ông Loan.

- Hình như số người nhiễm bệnh dịch đã lên hơn mười người rồi. Tội nghiệp, nghe nói bệnh này hành người ghê lắm.

Đan Anh nhìn một vòng xung quanh. Và cô tự nói với mình, số người đang bị dịch bệnh hành hạ nhiều hơn con số đó rất nhiều.

Thụy Phiên Nguyễn Phúc
Nguồn: https://www.truyenngan.com.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC

Những bài thơ hay

Tản văn, bút ký

Truyện ngắn

Tác phẩm âm nhạc