Quế Hiên công Nguyễn Nễ với Hoa Trình tiêu khiển tiền hậu tập
HNTĐ
Tên tập thơ, đã được nghe từ lâu. Nhưng từng bài thơ, thì quả thực chưa có dịp đọc. Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du ở Tiên Điền đã được khai trương từ năm 1960 (1). Ngôi đình cổ làng Nhân Thọ - hồi đó gọi là đình chợ Trổ, được chuyển về. Qua tu bổ, chỉnh trang, thành ngôi nhà trưng bày chính trong Khu lưu niệm. Ngoài gian chính, trưng bày thơ văn, di vật của Nguyễn Du, có thêm gian giới thiệu thơ văn, tư liệu trong dòng họ Nguyễn. Tập thơ này được trưng bày tại đó.
Theo Tiên Điền Nguyễn gia thế phả (2), Nguyễn Nễ là con trai thứ 6 của Hoàng giáp Tư đồ Nguyễn Nghiễm và bà trắc thất (hàng thứ 3) Trần Thị Tần (3), anh ruột cùng mẹ với Nguyễn Du. Ông sinh ngày 13-3 năm Tân Tỵ thời Cảnh Hưng (tức ngày 19-3-1761) tại phường Bích Châu - Thăng Long nay là Hà Nội. Ông có hai quyển thơ gồm 4 tập: Quế Hiên giáp, ất tập và Hoa trình tiêu khiển tiền, hậu tập. Nay chỉ còn Hoa trình tiêu khiển hậu tập. Còn 3 tập khác đã thất lạc, chưa tìm được (4).
Hoa trình tiêu khiển hậu tập Nguyễn Nễ viết trong thời gian được triều Tây sơn cử đi bắc sứ lần thứ hai (1795-1796). Theo lời tựa tập thơ do Nguyễn Đàm, tức Nguyễn Hành viết thì, ông khởi hành từ mùa thu năm Ất Mão (1795) và về nước mùa thu năm Bính Thìn (1796). Căn theo lịch trình một số bài thơ thì: ông xuất phát từ kinh đô Phú Xuân ngày 10-7 năm Ất Mão (bài Xuân kinh dã phát); trên đường, ghé Tiên Điền thăm quê (bài Hồi hương ngẫu phú); qua cửa Nam Quan (bài Quá quan ngẫu thuật) rồi đến kinh đô nhà Thanh (bài Chí kinh hỷ phú). Tập thơ chép đến bài Lữ trung trừ tịch tức sự là thơ làm về tiệc yến đêm trừ tịch tại điện Thái Hòa khi ông vừa mới đến. Cũng theo lời tựa, trong những ngày ở kinh đô nhà Thanh, ông đã viết khá nhiều bài trong trường hợp ứng chế, tặng, đáp... và số thơ đó cũng đã được sao chép vào tập thơ này (5).
Như vậy là Hoa trình tiêu khiển hậu tập mới có phần thơ ông viết trong chuyến đi. Còn những ngày ở Yên kinh và dọc trên đường về là chặng đường kết thúc chuyến đi sứ, hẳn tác giả có nhiều thơ cảm hứng, suy tư phong phú, rất tiếc lại chưa có ở đây!
Viết đậm về sự việc này, muốn được nhắc nhở con cháu trong dòng họ, những bạn yêu thơ đồng hương, đồng quận và trước hết là cơ quan đã được giao trách nhiệm bảo vệ, quản lý Khu di tích, bằng mọi cách, tiếp tục sưu tầm, bổ khuyết, sớm bổ sung hoàn chỉnh tập thơ quý hiếm này.
Tập thơ hiện còn được sao chép bằng tay trên loại giấy bản xơ khổ hẹp 0,15 x 0,11, dày 65 tờ, tờ xếp 2 trang thành 130 trang, trang viết hàng 6, lối chữ chân phương, cả tập có một bài tựa và 118 bài thơ chữ Hán, trong đó: thể thất ngôn bát cú Đường luật 110 bài, thể thất ngôn tứ tuyệt 3 bài, thể ngụ ngôn tứ tuyệt 4 bài, thể ngụ ngôn cổ phong trường thiên 60 câu 1 bài, bài có thêm lời dẫn hoặc chú thích tác giả (nguyên chú) 71 bài.
Tập thơ đã được khảo chấm, khuyên điểm thận trọng bằng son. Rất tiếc là không ghi tên người sao chép và sao chép từ bản gốc nào, từ năm tháng nào.
Tiền tập ta chưa được xem. Hậu tập chỉ có một phần đầu. Nhưng “Tập này cùng với tập trước, phải chăng đã trở thành tập thơ được coi như lời vàng, tiếng ngọc?”. Người đề tựa tập thơ đã dám nói như vậy. Văn hành công khí. Một học giả vừa là dật sĩ có bản lĩnh, có trình độ uyên thâm như Nguyễn Hành chẳng lẽ lựa cách nói như thế để được lòng chú?
Trong hành trạng của ông, khá nhiều sự kiện nổi bật, rất được đương thời ngợi khen, kính trọng.
1. Thời niên thiếu ông nổi tiếng học chăm, sớm thông minh, hiểu biết
Cùng học ở kinh đô, có 10 người cùng kết bạn tâm phúc, giúp nhau học tập, người ta gọi là Long thành thập hữu - Mười người bạn ỏ Long Thành - trong đó có: Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Võ Huy Tấn... Cả nhóm bạn học này, lớn lên đều thành đạt. Dịp đi sứ, qua Lạng Sơn, nhân gặp một người bạn làm Tả thị lang, đang là Hiệp trấn ở đây, ông có bài thơ mừng trong đó có câu:
Khế phổ thập nhân kim thặng ngụ
Đài đầu thu nguyệt bội thê lương
(kết nghĩa bạn với nhau có 10 người, nay chỉ còn 5; ngẩng đầu nhìn trăng thu, lòng xiết bao ray rứt).
Trong khoảng 5 năm, từ 19 đến 23 tuổi (1799 - Kỷ Hợi đến 1783 - Quý Mão), ông liên tục đỗ đầu 3 kỳ thi khảo hạch: 1 kỳ khảo khóa ở trường giám, 1 kỳ khảo hạch ở trường huyện Thọ Xương và 1 kỳ khảo hạch ở trường phủ Phụng Thiên. Cuối năm đó (Quý Mão), ông đỗ hương cống cùng khoa với em ruột khác mẹ là Nguyễn Nhưng và cháu gọi ông bằng chú ruột là Nguyễn Thiện. Trong một bài thơ mừng ông thành đạt có câu:
Doanh ư kinh quốc liên tam tiệp
Khoán tại gia đình hữu nhất tân
(Tiếng dậy kinh thành: đầu ba kỳ khảo hạch, khoán lừng gia tộc: thêm một vị tân khoa).
2. Có tầm nhìn nhạy bén về thời cuộc, quyết đoán nhanh về chuyển đổi hướng đi
Dưới triều Lê - Trịnh, là con trai quan đại thần, mới 7 tuổi, ông đã được tập ấm Hoằng Tín đại phu, Khuê Nhạc bá. Sau khi đỗ hương khoa, ông được bổ làm Thị nội văn chức (giữ công việc thường trực tại nhà học của con chúa Trịnh) kiêm chức Phó Tri thị nội thư, Tả lại phiên, thăng Xu mật viện sự, cai quản đội quân Phấn nhất, tước Đức Phái hầu.
Tháng năm Bính Ngọ, tin dữ nhanh chóng truyền ra Bắc Hà: quân Trịnh phần bị đánh tan, phần ra đầu hàng, thành Phú Xuân đã nhanh chóng thất thủ, nghĩa quân Tây Sơn đang trên đường bắc tiến. Bắc Hà khắp nơi náo động. Nguyễn Nễ được chúa Trịnh sai giữ chức Hiệp tán quân cơ đạo quân Trịnh ở Sơn Tây.
Tết năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung hoàng đế đại thắng quân Thanh. Vua Lê Chiêu Thống bám chân Tôn Sĩ Nghị chạy sang nương nhờ nhà Thanh. Theo vua không kịp, ông lánh về ở Hoa Thiều (Từ Sơn, Bắc Ninh), quê mẹ.
Cũng trong năm đó, có người tiến cử, ông được triều Tây Sơn mời ra giúp việc từ hàn rồi bổ làm Thị thư viện Hàn lâm. Cuối năm, ông được cử làm Tuế cống phó sứ (6) sang nhà Thanh cống nạp và cầu phong. Tết nguyên đán Canh Tuất (1790), sứ bộ Việt Nam đến Yên Kinh dự tiệc yến ở gác Tử Quang. Về nước ông được thăng Đông các đại học sĩ, gia phong Thái sử, Thự tả Nghị lang, Nghi Thành hầu.
Năm Giáp Dần (1794), ông được thăng Tả phụng nghị bộ Binh, Hiệp tán nhung vụ, đặc phái trấn giữ Quy Nhơn. Năm Ất Mão vua Càn Long nhà Thanh làm lễ nhường ngôi, ông được cử làm Hành khánh sứ, dẫn đầu sứ bộ Việt Nam sang chúc mừng. Cuối mùa đông năm Ất Mão, đầu năm Bính Thìn (1796), lễ trao quyền cho vua Gia Khánh được cử hành. Ông dâng bài thơ ứng chế chúc mừng. Ngày mồng 4 ông được mời dự lễ Thiên tẩu (một nghìn cụ lão thọ) ở điện Hoàng Cực. Ông dâng thêm một bài thơ ứng chế. Vua Thanh cả khen và thân hành rót rượu mời ông. Ngày mồng 5, ông được mời dự đại yến ở gác Tử Quang. Rằm tháng giêng, ông dự yến Nguyên tiêu ở gác Sơn Cao Thủy Trường và cũng làm thơ ứng chế. Ngày 19 tháng giêng (tức 27-2-1796), ông từ biệt vua Thanh trở về nước, lại được đãi yến, xem đèn, đi theo thuyền rồng của nhà vua đến dạo chơi vườn Phong Khánh. Trong các cuộc tiếp xúc trên, ông luôn được hai vua nhà Thanh ngợi khen và trọng thưởng (gấm đoạn, trà sen, ngự dụng, gậy thọ, ngọc như ý, văn phòng tứ bảo...).
Mùa thu năm Bính Thìn (1796) về nước, ông được thăng Hữu bộ Đồng nghị Trung thư sảnh, thưởng ruộng 40 mẫu. Thời gian này, ông được nghỉ quê nhà. Triều đình sai quan đem sắc và ấn về trấn sở Nghệ An ban cấp cho ông. Sau đó, ông có chỉ ở lại giúp việc với quan trấn Nghệ An. Mùa đông năm Tân Dậu (1801), có chỉ cử ông hộ tống La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vào Phú Xuân. Trong khi hai ông đang lưu nghỉ ở kinh đô thì quân Nguyễn vây chiếm được kinh thành. Vua Gia Long gọi ông dến hỏi han. Ông soạn một bài quốc âm và làm biểu dâng lên. Nhà vua khen ngợi, ban thưởng áo mũ và tiền.
Đầu năm Nhâm Tuất, năm đầu niên hiệu Gia Long(1802), ông theo xa giá nhà vua ra Bắc bị nhiều người gièm pha, vua sai ông ở lại Bắc thành làm việc dưới quyền quan Tổng trấn. Mùa hè năm Giáp Tý (1804), ông được phép về thăm quê nhà. Hơn 1 tháng lại được vào kinh làm việc. Tháng 5 năm Ất Sửu (1805), nhân có tang bà vợ thiếp, ông được phép về nhà 3 tháng và sẽ trở lại kinh đô. Nhân có sự lôi thôi ở làng, bị viên tri phủ là Nguyễn Văn Chiêu truy bức, ông tức bực phát bệnh, mất vào ngày 11-7 năm Ất Sửu (1805). Năm ấy ông 45 tuổi.
Che đậy bằng cách nào, cũng không sao lấp liếm nổi những mánh khóe, thủ đoạn thâm độc, tàn ác của vua quan nhà Nguyễn Gia Long nhằm hành hạ, trừ khử, giết hại, trả thù những người vốn từng theo nghĩa quân Tây Sơn. Trường hợp ông bị bức tử, hẳn cũng không ngoài thủ đoạn đó.
3. Khiêm tốn, bình dị, hào hiệp và lịch lãm là những nét được người ta thường khen trong đức tính của ông
Khi làm quan dưới thời Lê - Trịnh, cũng như khi chuyển sang theo giúp nghĩa quân Tây Sơn, chức tước, cấp bậc của ông gần như không có gì thay đổi. Tài năng ra sao cũng chưa thấy sách nào nhắc đến. Nhưng sau hai lần đi sứ trở về, danh tiếng, phẩm trật được cất nhắc, trân trọng. Điều đó chứng tỏ, các chuyến đi sứ đã khá thành công.
Hình ảnh 2 vạn rưỡi tướng sĩ nhà Thanh bị đánh tan rã, sống sót ngoi ngóp, lê lết kêu khóc bò về, làm cho vua Càn Long sục sôi, đùng đùng căm tức, gầm thét tức tốc ra lệnh, tiếp tục huy động binh mã 9 tỉnh phía nam chờ ngày kéo sang An Nam đánh báo thù. Hoàng đế Quang Trung thì vẫn bình tĩnh như không. Nhẩm tính từ đầu tháng giêng kết thúc cuộc chiến đến nay, chưa đầy 5 tháng. Truyền chọn cử 1 phái bộ, đúng tháng 6 Mậu Thân (1789) sang Thanh nạp cống dâng sớ cầu phong theo thường lệ. Khá nhiều ý kiến bàn ra tán vào: làm như vậy khác nào bưng chậu nước dội vào mặt họ? Không sao! Bằng mọi cách linh hoạt, vận dụng ứng phó, kể cả việc dùng vàng bạc đút lót cho một số tướng lĩnh đang được vua Thanh tin cậy, trọng dụng, để triều đình họ từ bàn giải, lựa chọn hướng nào có lợi cho họ. Chừng như đã nguôi dần cơn thịnh nộ, từ hướng dùng binh mã chuyển sang hướng chấp nhận giảng hòa. Trong lịch sử ngoại giao, hiếm có chuyến đi nào căng thẳng, gay go, đầy bão tố, gai góc như chuyến đi này. Nó không những đạt được yêu cầu nước Thanh sai sứ sang phong vương cho nước An Nam, mà còn có tác dụng tạo những thuận lợi cần có, để đầu năm sau (Canh Tuất, 1790), theo yêu cầu của vua Thanh, quốc vương An Nam sang dâng lễ tiếp kiến (Ta đã chọn người đóng giả Quang Trung, được vua Càn Long đón tiếp và ban tặng ân lễ rất hậu).
“Chú tôi quả thật có tài ứng đối. Gặp vận hội, hẳn chú làm nên”. Suy nghĩ ấy là của Nam Thúc Nguyễn Hành, ghi trong lời tựa tập thơ đã dẫn. Thiết tưởng đó cũng là lời nói có cân nhắc.
Ông có khá nhiều bạn thân. Phan Huy Ích là một trong những bạn thân nhất, người đã từng tiến cử Nguyễn Nễ cho nghĩa quân Tây Sơn. Hai người đều được triều Tây Sơn cử đi sứ nhà Thanh. Nguyễn Nễ đi sứ 2 lần: 1 lần làm phó sứ sang nạp cống và xin cầu phong, đi vào năm Kỷ Dậu (1789) và 1 lần làm Hành khánh sứ sang mừng vua Càn Long lên làm lễ truyền ngôi cho vua Gia Khánh, đi vào năm Ất Mão (1795). Phan Huy Ích đi trong đoàn sứ bộ rước hoàng đế Quang Trung (vua giả) sang làm lễ tiếp kiến vua Thanh.
Đoàn sứ bộ này có Ngô Văn Sở, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tuấn... đi tháng 3 Canh Tuất (1790). Tập thơ của Phan Huy Ích viết trong thời gian đi sứ, có tên là Tinh sà kỷ hành, in chung trong bộ thơ Dụ am ngâm lục (7).
Năm cảnh thịnh thứ 3 (Ất Mão, 1795), Nguyễn Nễ được kiêm chức Hiệp tán nhung vụ, đầu năm có lệnh phái vào tăng cường trấn giữ Quy Nhơn, cuối năm lại có lệnh rút về sung phái bộ đi Bắc sứ. Tập thơ Hoa trình tiền, hậu tập ông viết vào dịp đi sứ lần đó. Lúc này triều Tây Sơn đã xuất hiện nguy cơ suy sụp. Sau khi Hoàng đế Quang Trung đột ngột bệnh mất, Quang Toản mới 10 tuổi lên thay, gian thần tiếm quyền, triều thần phe cánh trừ khử nhau. Gia Long trốn ở Xiêm, mừng được cơ hội nhảy về. Sau khi khôi phục được Gia Định, tung quân đánh chiếm Diên Khánh, Bình Thuận, đánh hạ Thị Nại, bao vây Quy Nhơn. Hiện trạng suy sụp, rối rắm trong lúc này, ông đều có biết. Nỗi buồn phiền ray rứt, sốt ruột sốt gan, trông mong sớm một buổi, một ngày nhanh được về nước. Tâm sự đó, ít nhiều, đậm nhạt, có phản ánh trong thơ ông. Thời vận rủi ro, không may cho ông, cũng là vận không may cho đất nước.
Cư xử trong đời thường, tranh thủ được nhiều thiện cảm về mình, thực không phải dễ. Thời trẻ, khi ra làm việc trong nước, nước ngoài, đi đâu, ở đâu, ông đều có nhiều bạn thân, gần gũi, chân thành. Lần đi sứ gần đây (1795-1796), tặng phẩm ông mang về khá nhiều. Nhiều quan thân, sĩ phu Bắc triều mời ông dự tiệc và trao tặng thơ văn, phẩm vật kỷ niệm như: Chính đường họ Tiền tặng thơ, Trung hiếu đại phu Vương Sĩ Cơ tặng hoành phi 4 chữ Hoan quận danh gia, cháu 24 đời của Chu Công là Tri phủ tứ thành Chu Lễ tặng 4 chữ Thiên môn tái đăng, Hàn lâm Lôi Kiệu tặng 4 chữ Tinh sà (?) lưỡng phiếm, Trung hiếu đại phu Hoàng Phu Thái tặng 4 chữ Hồng sơn thế phả, sứ thần nước Triều Tiên cũng có thơ tặng ông (8). Nước ta, trong các triều đại, nhiều người được cử đi sứ. Nhiều người từ chương, ứng đối rất có tài, thơ bài, hoành phi, câu đối trao tặng cũng có, nhưng số lượng nhiều như vậy, hẳn cũng hiếm.
Người ta thường khen ông là lớp người trọng nhân nghĩa, không ham tiền của. Gia phả chép: lương bổng của ông, gia đình để lại một ít đủ tiêu dùng, phần còn lại, ông thường đem phât phát cho bà con, bạn hữu nghèo túng. Sau nạn binh hỏa, một số đình đền, chùa miếu, cầu đường bị đốt phá hoặc lâu ngày hư hỏng như đình làng Tiên Điền, đình tế tư văn (hội văn huyện) bị quân Tây Sơn ở trấn Nghệ An đốt vào năm Nhâm Ngọ (1791), chùa Trường Ninh, cầu Tiên lâu ngày bị hư hỏng,... Mấy kỳ được về quê nghỉ, ông xuất tiền của, công sức cùng với dân làng tu sửa khoản tác, đến nay nhân dân còn nhắc đến công đức của ông.
Ngày ông được cử vào trấn giữ thành Quy Nhơn, Thị trung Ngự sử Phan Huy Ích có bài thơ đưa tiễn (9) - bài thơ thể ngụ ngôn khá dài. Xin trích một đoạn làm lời kết thúc bài viết này (VHH dịch):
...Khí tiết vững như tùng
Phẩm chất chuốt như ngọc
Trung tín vững tâm tư
Hành động từng lỗi lạc...
_______________
1. Năm 1960, Bộ Văn hóa có tổ khảo sát do GS Lê Thước dẫn đầu, sau khảo sát, đã có bản kiến nghị nâng cấp, tôn tạo Khu di tích Nguyễn Du ký ngày 16-6-1960.
2. Tên thế phả là Hoan Châu, Nghi Xuân, Tiên Điền, Nguyễn gia thế phả do Nguyễn Nghiễm biên soạn bằng chữ Hán. Lê Thước trích dịch chủ yếu là phần về Nguyễn Du và thế hệ ông, viết tắt là Tiên điền Nguyễn gia thế phả (TĐNGTP).
3. Trần Thị Tần quê làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngạn, nay là huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Nghiễm có 8 bà vợ, 12 trai, 9 gái, Nguyễn Nễ là trai thứ 6 của Nguyễn Nghiễm và là trai thứ 2 của bà Tần.
4. Phần hành trạng kể cả điểm 1, 2 và 3 chủ yếu dựa theo TĐNGTP, có tham khảo Việt Nam sử lược quyển 2 các chương 9, 10 và 11, Nxb TP.HCM và đối chiếu với Việt Nam những sự kiện lịch sử, Nxb Giáo dục, 2002
5. Xem lời dẫn bài thơ số 26.
6. Lần đi này ông làm phó sứ, nhưng phải cáng đáng, quyền biến mọi sự, vì Chánh sứ Nguyễn Quang Hiển, cháu vua Quang Trung chỉ là danh nghĩa.
7. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
8. Xem lời dẫn ở bài thơ số 23.
9. Bài Tiễn Tả phụng nghị bộ Binh, Nghi thành hầu họ Nguyễn đi thành Quy Nhơn, thơ ngụ ngôn cổ phong, tập II, Dụ am ngâm lục.
Theo Võ Hồng Huy/Tạp chí VHNT số 316 (10-2010)
Nguồn: http://nguyendu.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ
“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho... -
Một số từ địa phương Nghệ Tĩnh trong truyện Kiều
Nhà văn Nga M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một nhà văn thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư...