Tháng 7, tản mạn đôi điều về "Văn tế thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du
HNTĐ
Ngoài Truyện Kiều, Nguyễn Du còn có nhiều tác phẩm nổi tiếng khác, “Văn tế thập loại chúng sinh” là một trong những tác phẩm đó.
Nếu Nguyễn Du viết Truyện Kiều theo cốt truyện có sẵn thì Văn tế thập loại chúng sinh lại xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Nếu ông viết Truyện Kiều để thư giãn như một cách chơi tao nhã của nho sĩ thì ông viết Văn tế thập loại chúng sinh với một thái độ nghiêm túc, bằng cả trái tim nhân hậu của mình. Nếu Truyện Kiều pha trộn một ít màu sắc, hình thái của Phật giáo thì trong Văn tế thập loại chúng sinh lại hàm chứa toàn bộ tư tưởng, triết lí của đạo Phật.
Trước khi tác phẩm này ra đời đã có một số bài tế theo thể loại văn xuôi và một số bài tế đơn lẻ khác nhưng đây là tác phẩm mang tính khái quát nhất, dễ đi vào lòng người nhất. Thiết nghĩ rằng, chỉ cần thêm một số câu niệm chú vào phần cuối, thì đây là một bài cầu siêu hoàn chỉnh dùng cho dịp tế cô hồn tháng bảy. Phải chăng đó là lí do vì sao học giả Phạm Thế Ngũ đã thốt lên rằng “Nguyễn Du là thi sĩ muôn đời của Thống khổ và Tình thương” (Việt Nam văn học giản ước tân biên, Quốc học tùng thư - Tập 2)
Hay như Chế Lan Viên đã viết:
“Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
"Văn chiêu hồn" từng thấm hạt mưa rơi...”
(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)
Nguyễn Du sinh ra phải thời loạn lạc. Chúa Trịnh lấn át quyền hành vua Lê. Nội chiến Trịnh - Nguyễn triền miên rồi đến cuộc chiến tàn khốc của Nhà Nguyễn và quân Tây Sơn, thật là cái thời vua không ra vua, tôi chẳng ra tôi. Dân tình vì thế mà cực khổ, chết trận, chết đói, chết do dịch dã, chết do mưu sinh miếng ăn, chết do tìm danh hão, chết do loạn lạc, do thiên tai… những não cảnh kia phải chăng là cội nguồn cảm xúc để cụ Nguyễn Du viết nên tác phẩm văn tế này?
Thời gian đi sứ ở Trung Quốc, khi đến thăm Phân Kinh thạch đài, trước cảnh hoang tàn đổ nát, thư viện Phật giáo không còn một cuốn kinh. Nguyễn Du đã thốt lên:
“Cập đáo Phân Kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh.”
及到分經石臺下
終知無字是眞經.
Dịch nghĩa:
Đến Phân Kinh Thạch đài mới hiểu rằng Kinh mà “không có chữ” mới là chân kinh. (Nguyễn Du, Phân Kinh thạch đài của Lương Chiêu Minh thái tử)
Cụ Nguyễn Du khẳng định rằng, không cứ phải cầu kinh niệm Phật mới gọi là tu hành. Cụ đã chọn cách tu hành riêng, đó là dành tình thương đến những cô hồn đói rét, cũng là một cách chia sẻ với những kẻ yếu thế trong xã hội đầy rẫy cường quyền và ác thú. Bởi vậy, chúng ta không thấy Cụ Nguyễn Du xuất gia gõ mõ, tụng kinh nhưng qua những tác phẩm của Cụ, chúng ta thấy tư tưởng Phật giáo đã chiếm một vị trí trang trọng trong tâm thức của Cụ…
Bài văn tế là niềm an ủi đối với các cô hồn và cũng là thông điệp gửi đến chúng sinh trên cõi dương về “nhân quả” (theo Phật giáo) hay “tri túc, tri chỉ” (theo Nho Giáo).
Hãy tìm hiểu vì sao tác phẩm được đánh giá cao và có sức thuyết phục như vậy.
Về bố cục: Trong bài văn tế này, Nguyễn Du đã chia thành 21 nhóm cô hồn để thỉnh họ về Cõi Niếtbàn. Nhóm được ông quan tâm trước nhất đó là “Những kẻ tính đường kiêu hãnh, chí những toan lấp gánh non sông”
Có cái gì đó gợi cho chúng ta nên bàn sâu về ý này. Hãy có chút liên tưởng ý của khổ văn tế trên với thân thế gia đình của Cụ Nguyễn Du. Thân phụ, chú ruột, anh trai của Cụ đều là đại thần nhà Lê nhưng kết cục đều không viên mãn. Ngay cả bản thân cụ, mặc dù là người được học hành bài bản, có khoa bảng, có chức sắc nhưng trong cảnh loạn lạc của xã hội thì gia đình bị li tán, vợ con nghèo khổ… Cụ đã lờ mờ nhận thấy cái bất hạnh của cuộc đời mình và đã thốt lên rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như”(chẳng hiểu ba trăm năm sau, ai là người khóc Tố Như)
Có một nhóm cô hồn khác nữa mà Cụ thỉnh đó là “Kìa những kẻ bài binh bố trận, dấn thân mình cướp ấn nguyên nhung”, nhóm này và nhóm trên đều là những kẻ phi thường muốn làm việc lớn nhưng chuyện không thành.
Các nhóm sau đều được liệt kê khá tách bạch, như vậy có thể nói cụ đã thỉnh hai mươi nhóm trong tác phẩm chiêu hồn này. Có thể nói, Văn tế thập loại chúng sinh là tác phẩm nhắc tới sự chết chóc nhiều nhất, nguyên nhân chết đa dạng nhất, bởi thế cho nên bi ai nhất nhưng rốt cuộc không bế tắc, mọi thành phần đều có lối thoát chung, đó là Tây phương Cực lạc.
Về nghệ thuật: Trước “Văn tế thập loại chúng sinh” đã có nhiều bài văn tế khác, hoặc là đơn lẻ hoặc là đủ thập loại nhưng đây là bài văn tế độc đáo nhất. Nó được thể hiện dưới dạng thơ song thất lục bát.
Bằng cách dùng ngôn từ của Phật giáo, bằng trí tưởng tượng ở mức “siêu phàm” mà chỉ các “đạo sĩ” hay “nhà ngoại cảm” mới thấy được. Cụ mô phỏng cảnh bơ vơ của cô hồn một cách vừa ảo, vừa thật, vừa đáng trách, vừa đáng thương và luôn tạo cho các cô hồn đang trong cõi u mê một lối thoát, đó là hướng về Đức Phật để tới chốn Niết bàn. Có thể không nói quá, chỉ có Nguyễn Du mới làm được điều này. Điều đó góp phần vào thành công của tác phẩm, giúp nó đến công chúng một cách rộng rãi hơn.
Trong Truyền Kiều, ông đã dùng ngòi bút tài hoa để tả cảnh và khắc họa nên tính cách của nhân vật thông qua mô tả hình dáng thì trong Văn tế thập loại chúng sinh, ông đã tưởng tượng ra một không gian mà bất cứ người đọc nào cũng “nổi gai ốc”.
Ông tả về các vong cô hồn lang thang vật vã như sau:
“Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi
Hoặc là nơi ngọn suối chân mây
Hoặc là ngọn cỏ bóng mây
Hoặc là quán nọ, cầu này bơ vơ
Hoặc là ẩn nương nhờ Phật tự
Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông
Hoặc là trong quãng đồng không
Hoặc trong gò đống trong vùng lau tre
Sống đã chịu một bề thảm thiết
Ruột héo khô dạ rét căm căm
Giãi dầu trong mấy mươi năm
Thở than dưới đất ăn nằm trên sương
Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn
Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra
Lôi thôi bồng trẻ dắt già
Có không thiêng nhẽ lại mà nghe kinh…”
Về tính nhân đạo của tác phẩm: Tác phẩm được viết ra dựa trên giáo lý của Phật giáo nên các nội dung của học thuyết nhân quả đã được tác giả đề cập khá rõ ràng. Người đọc không cần phải tìm nguyên nhân thống khổ mà nó nằm ngay trong hành động của mỗi chúng sinh.
Tuy thế, một số người đọc vẫn cất công tìm tòi cái bản gốc sinh ra sự bơ vơ lạc lõng trong mỗi nhóm cô hồn, ví dụ như Xuân Diệu. Ông đã thốt lên: “Nguyễn Du không biết tại sao mà xã hội khổ đến thế. Bây giờ ta không trách Nguyễn Du về sự mù mờ ấy, (bởi) Nguyễn Du kêu gào ở trong bóng tối…” (Xuân Diệu, Đọc Văn Chiêu hồn trong Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nhà xuất bản Văn học, 1981, tr. 206-207).
Xuân Diệu đã cảm nhận xã hội mà cụ Nguyễn Du đang sống là bức tranh ảm đạm, con người không có lối thoát. Thiết nghĩ khi Đất nước bị chia cắt, vua là bù nhìn, khởi nghĩa khắp nơi, dân tình chìm trong nội chiến và dịch dã, thử hỏi không loạn lạc sao được.
Tuy nhiên Nguyễn Du khôngmù mờ, ông xác định nguyên nhân của mọi thống khổ đều nằm trong kinh Phật đã dạy, nhiệm vụ của tác giả là dẫn dắt người đọc thấm nhuần lời dạy đó mà thôi.
Chính bản ngã của mỗi con người không đúng hướng đã dẫn đến kết cục bi thảm, một trong số họ thực sự không thấm nhuần “Tri túc- Tri chỉ” mà cổ nhân đã dạy. Hãy đọc lại đoạn tế cô hồn sau:
“Kìa những kẻ tính đường trí phú
Mình làm mình nhịn ngủ kém ăn
Ruột rà không kẻ chí thân
Dẫu làm nên để dành phần cho ai
Khi nằm xuống không người nhắn nhủ
Của phù vân dẫu có như không
Sống thì tiền chảy bạc dòng
Chết không mang được một đồng nào đi
Khóc ma mướn thương gì hàng xóm
Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm
Ngẩn ngơ trong quãng đồng chiêm
Nén hương bát nước biết tìm vào đâu”
Hay đoạn cúng cô hồn tiếp theo:
“Kìa những kẻ rắp cầu chữ quý
Dấn thân mình thành thị lân la
Mấy thu lìa cửa lìa nhà
Văn chương đã chắc đâu mà chen chân
Dọc hàng quán gặp tuần mưa nắng
Vợ con nào nuôi nấng kiêng khem
Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng
Anh em - thiên hạ, láng giềng - người dưng
Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn thất thểu dọc ngang
Gió trăng heo hắt, lửa hương lạnh lùng”
Hay như đoạn sau:
“Kìa những kẻ tiểu nhi tấm bé,
lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha,
lấy ai bồng bế xót xa,
u ơ tiếng khóc thiết tha cõi lòng”
Tình cảm của cụ Nguyễn dành cho nhóm này rất tinh tế, thể hiện lòng bao dung thiện tâm của tác giả với linh hồn các trẻ nhi. Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi đọc những câu trên.
Cũng như tình thương dành cho trẻ nhi, tình đồng loại nói chung được thể hiện trong bài văn tế rất rõ ràng, mặc dù có những người đã phạm nhiều lỗi khi sinh thời nhưng Nguyễn Du vẫn không trách cứ, ông vẫn có lòng bao dung rộng lớn. Hãy đọc đoạn văn tế sau:
“Kìa những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son sống thác ở tay
Kim luân ghim một túi đầy
Đã đêm quản cát lại ngày y chu
Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm
Trăm hồn ma mồ nấm chung quanh
Ngàn vàng chẳng đổi được mình
Lầu son viện hát tan tành còn đâu….”
Về tính giáo dục: “Văn tế thập loại chúng sinh” không chỉ để chiêu cô hồn mà còn có tính giáo dục rất cao. Đọc tác phẩm này, chúng ta như nhận thấy dễ dàng loại bỏ được khổ đau nếu biết kìm chế “bản ngã”, loại bỏ “sân, si”, biết hướng về “chánh niệm”. Mỗi cá thể hãy tôn trọng những gì mình có, hãy chắt lọc và chấp nhận hiện thực của khách quan để tồn tại và phát triển.
Phải chăng thông qua tác phẩm này, ông nhắc nhủ mọi người dù ở đẳng cấp nào cũng cần tôn trọng phép tắc, chưng thường, đạo lý…
Tuy nhiên nội dung của tác phẩm này cũng có cái hạn chế đó là mang “tính chất ru ngủ”, làm cho cõi nhân sinh chấp nhận thực tại một cách thụ động, thiếu tính đấu tranh, tự vượt lên số phận, vượt lên chính mình. Chúng ta biết, phát triển là quy luật tất yếu của xã hội, nếu không có những cuộc thư hùng thì không có cách mạng. Nếu không có những người tần tảo sớm hôm thì cuộc sống thoi thóp nhất cũng khó lòng tồn tại. Cái đáng suy ngẫm nhất là phần văn tế dành cho các chiến binh tử trận.
“Có những kẻ mắc vào khóa lính
bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan,
nước khe cơm vắt gian nan,
giãi ngàn mưa nắng lầm than một đời.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
phận đã đành đạn lạc tên rơi,
lập lòe ngọn lửa ma trơi,
tiếng oan vẳng vẳng tối trời càng thương”
Khi có giặc dã, nếu không có những chiến binh thì ai sẽ là người bảo vệ giang sơn đất nước? Cụ coi những chiến binh tham gia chiến trận chỉ thực hiện nhiệm vụ với quan trên mà không phải là những người sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, chính cách nhìn này đã đánh giá thấp sự hy sinh của họ, có lẽ đây là những vết gợn của tác phẩm này nhìn ở góc nhìn hiện nay.
‘‘Văn tế thập loại chúng sinh’’là một tác phẩm hàm chứa tính nhân đạo rất cao, nhiều người đã trích dẫn để tế chúng sinh trong các lễ cầu siêu ở các chùa hay cúng chay ở một số địa phương (Như bài văn cúng chay ở Tiên Hội, tổng Cát Ngạn - nay là Thanh Tiên, Thanh Chương). Thiết nghĩ ‘‘Mai sau dù đến bao giờ’’ thì bài văn tế vẫn là áng văn chiêu hồn bất hủ. Nó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, vào bề dày văn hóa Việt Nam. Bài văn tế sẽ song hành với Phật giáo nhằm xoa dịu nỗi đau trần thế.
Qua những tác phẩm như Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, v.v… ta nhận thấy trong đời sống tâm linh của Nguyễn Du, tư tưởng Phật giáochiếm một vị trí trang trọng, nếu không muốn nói là chủ đạo, mặc dù Cụ xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho giáo.
Sự hiện diện trên trần gian của Nguyễn Du không dàinhưng ông đã kịp để lại cho văn học Viết Nam nhiều tác phẩm bất hủ. Ông xứng đáng là niềm tự hào của xứ Nghệ, của văn học Việt Nam.
Tháng bảy cúng cô hồn, một dịp thể hiện tâm giao giữa hai cõi Âm - Dương, hi vọng mọi người xem ‘‘Văn tế thập loại chúng sinh’’ là chiếc cầu nối để an ủi, làm thanh thản những linh hồn vào mỗi dịp Vu Lan theo quan niệm của Phật Giáo.
Phan Văn Minh
Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian
Nói đến Nguyễn Du, trước hết chúng ta nói đến những sáng tác ghi lại suy tư, cảm xúc cá nhân của ông, đó là thơ chữ Hán. Trong ba tập thơ chữ Hán để lại: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tập thơ nào cũng hay, cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ, nhưng trong... -
Truyện Kiều - thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du (Kỳ 1)
Một vấn đề then chốt trong nghiên cứu Truyện Kiều hiện nay là xác định tính sáng tạo của Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm sáng tác dựa vào cốt truyện và nhân vật của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng lại trở thành một kiệt tác nghệ thuật vô song.