Nữ chính kinh điển và hóa thân thời hiện đại: Truyện Kiều và những tương đồng trong Printemps Inachevé
HNTĐ
Văn học Pháp ngữ Việt Nam hiện đại có thể được đọc từ nhiều cấp độ khác nhau: sự minh họa cho những nhân vật và sự kiện ở bối cảnh nước ngoài; việc tìm hiểu những tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt đe dọa nhân vật chính người Việt Nam; hoặc, từ một cấp độ khác, như cách viết lại những văn bản Việt ngữ trước đó. Chính cấp độ thứ ba này sẽ được tìm hiểu ở đây. Việc đọc một văn bản hiện đại có thể trở nên phong phú hơn nhiều qua việc phân tích những phương thức mà văn bản đó sử dụng văn học cổ điển, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng theo hướng phá bỏ. Hướng tiếp cận này sẽ cho phép độc giả nhận thức sâu sắc hơn về sự phong phú của văn bản và tính phức tạp của văn học Pháp ngữ hiện đại.
Truyện thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du được xem là một trong những kiệt tác của văn chương Việt Nam. Nó được sáng tác vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Được viết lại từ một tiểu thuyết ít tiếng tăm đời Thanh (1644-1911) [3, tr.xxi], Truyện Kiều kể về những thăng trầm xảy đến với một cô gái xinh đẹp, xuất thân danh giá và đức hạnh[1]. Đó là thi phẩm chứa đầy ám chỉ văn hoa về văn học và triết học cổ điển Trung Quốc cũng như Việt Nam[2]. Được biết đến như một truyện tình lãng mạn, một phúng dụ chính trị, một cuốn sách bói toán và một ngụ ngôn đạo đức, sự hiện diện của nó trong những trước tác của các nhà văn Việt Nam viết bằng tiếng Pháp đương đại, bởi vậy, cho thấy tầng tầng lớp lớp ý nghĩa văn chương. Nhà văn Lý Thu Hồ đã vận dụng Truyện Kiều theo một cách đặc biệt trong cuốn tiểu thuyết Printemps inachevé [Mùa Xuân dang dở] xuất bản năm 1962 tại Paris. Có những tương đồng rõ rệt giữa chuyện của Kiều và chuyện của Tran, nữ chính trong Printemps inachevé. Dẫu thế, trong nghiên cứu truyền thống, với việc dành sự quan tâm sát sao tới tính biểu trưng về mặt chính trị của Kiều, đã tồn tại khuynh hướng bỏ qua ý nghĩa của nàng như một mẫu hình phụ nữ[3]. Đọc Truyện Kiều trong mối quan hệ với một văn bản Việt Nam hiện đại viết bằng tiếng Pháp, người ta không chỉ có thể nhấn mạnh vai trò của nàng trong tư cách một mẫu hình phụ nữ, mà còn chất nghi những cách diễn giải truyền thống đối với chính Truyện Kiều.
Tiểu thuyết Printemps inachevé của nữ nhà văn Lý Thu Hồ
[Người dịch lược bỏ phần tóm tắt nội dung Truyện Kiều trong nguyên tác]
Kết cấu Truyện Kiều được đánh dấu bởi ba đặc điểm chính. Đầu tiên là khái niệm số mệnh. Nó được nhắc đến ngay từ đầu Truyện Kiều rằng tài sắc chắc chắn dẫn đến bi thương. Vì đây là trường hợp của Kiều nên số phận của nàng đã được định đoạt từ trước. Nàng phải trả những món nợ từ kiếp trước. Mỗi hành vi có những hệ quả mà đến lượt mình, chúng lại dẫn đến những hành vi tiếp theo. Như Truyện Kiều viết:
“Túc nhân thì cũng có trời ở trong
Kiếp này nợ trả chưa xong
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau!”[4]
Truyện Kiều minh họa cho những yếu tố trong triết lý Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, và mỗi số phận tiền định cũng cung cấp một phương tiện văn chương thích hợp để giải thích những bất hạnh in dấu cuộc đời Kiều.
Đặc điểm thứ hai là Truyện Kiều như một phúng dụ chính trị. Nguyễn Du sống trong những năm tháng hỗn loạn do sự thay đổi triều đại gây ra. Là một vị quan và bởi vậy, là một viên chức, ông phải đối diện với những lòng trung thành đối lập nhau, dẫn đến: “Câu chuyện của Kiều, kì thực, [hiện diện] như một ngụ ngôn… cho đời sống chính trị của chính ông” [13, tr.xvi]. Kiều không chỉ tượng trưng cho sự kiên cường của một cá thể mà còn là sự kiên cường của một dân tộc hay một đất nước trong chiến tranh. Như Huỳnh Sanh Thông viết: “Đằng sau ý nghĩa văn chương, việc Kiều làm kĩ nữ được diễn giải như một ẩn dụ cho sự phản bội lại những nguyên tắc đạo đức vì bị ép buộc, cho sự phục tùng áp lực của hoàn cảnh” [3, tr.xl]. Câu chuyện của Kiều phản ánh những thử thách và khó khăn mà Việt Nam đã trải qua dưới những chính quyền kế tiếp nhau, và do vậy, nhân vật chính đại diện cho cả dân tộc. Là một phụ nữ và một nạn nhân, Kiều được ấn định theo lối lý tưởng hóa để hiện thân và biểu trưng cho những quan niệm này.
Điều đó dẫn chúng ta đến đặc điểm thứ ba và quan trọng nhất: chức năng mà Kiều thực hiện thông qua địa vị phụ nữ và nạn nhân của hoàn cảnh. Lựa chọn một cô gái như nhân vật trung tâm cho thi phẩm của mình, Nguyễn Du tuân thủ truyền thống đã được xác lập trong giới văn nhân Việt Nam. Về điểm này, những lý do cho việc sử dụng một nhân vật nữ chính không phải là đối tượng của sự chú ý, phê phán. Một phụ nữ có lẽ dễ được chấp nhận hơn một nam nhi khi lên tiếng về nỗi đau khổ cá nhân. Trên bề mặt, việc sử dụng một phụ nữ làm nhân vật chính cũng có thể cung cấp một phương tiện tạo khoảng cách hơn nữa nhằm bảo vệ tác giả nam khỏi những cáo buộc trực tiếp liên quan đến sự nổi loạn và phá hoại. Dù đã trải qua mười thế kỉ Bắc thuộc (111 TCN-939), nhưng Việt Nam luôn có cách tiếp cận phóng khoáng hơn Trung Quốc đối với vị thế của người phụ nữ. Bó chân chưa bao giờ được thực hành tại Việt Nam [7, tr.191]. Đến thế kỷ XV, phụ nữ bình đẳng với đàn ông trong việc thừa kế và kết hôn [9, tr.122]. Pháp luật của triều Lê (1428-1788) phóng khoáng với phụ nữ hơn nhiều so với các bộ luật của triều Minh và triều Thanh. Phụ nữ hưởng mức độ bảo vệ cao hơn theo những điều khoản về tội phạm trong luật và có quyền lợi về tài sản đáng kể mà gia đình bên chồng của họ phải tôn trọng [10, tr.136]. Dù những quyền này đã bị thiết lập lại khi bộ luật của nhà Nguyễn được ban hành vào thế kỷ XIX, nhưng luật nhà Lê vẫn ảnh hưởng đến tập tục ở Việt Nam trong thế kỷ XX, và nhiều trong số đó đã được tích hợp vào pháp luật Việt Nam thời hiện đại [10, tr.136]. Tuy nhiên, dẫu có chủ nghĩa tự do một cách tương đối về địa vị của người phụ nữ ở Việt Nam, song những nguyên lý Nho giáo - nhấn mạnh sự thống trị của nam giới, người thừa kế nam và sự tuân thủ tam tòng, tứ đức của phụ nữ[5] - được xã hội Việt Nam chấp nhận, tiếp thu và được phản ánh trong Truyện Kiều. Như David Marr lưu ý, “các nguyên lý cơ bản về sự thụ động của phụ nữ, về lòng hiếu thảo của con gái với cha mẹ, về lòng trung thành đối với bạn bè được duy trì và có lẽ thậm chí còn được củng cố bởi sự phổ biến khủng khiếp của tác phẩm này” [7, tr.195].
Những yếu tố lịch sử ấy có thể đưa ra lời giải thích phần nào cho xu hướng rõ ràng ở các nhà văn nam khi để những nữ chính minh họa và hiện thân cho những bi kịch và hạnh phúc trong cuộc đời. Địa vị phụ thuộc của phụ nữ Việt Nam trong mối quan hệ với đàn ông tương tự địa vị của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tất cả nhân vật nữ ở văn học Việt Nam, chính nàng Kiều của thế kỷ XIX cung cấp ví dụ ấn tượng nhất cho sự tập trung trong văn chương (của đàn ông) vào vai trò của phụ nữ trong xã hội. Do vậy, điều đáng chú ý là một nhà văn nữ đã sử dụng câu chuyện của Kiều để tập trung vào vai trò của phụ nữ ở Việt Nam đương thời.
Tương đồng rõ ràng nhất với câu chuyện của nàng Kiều xưa trong một tiểu thuyết hiện đại là Printemps inachevé của Lý Thu Hồ. Lý Thu Hồ định cư ở Pháp năm 1956. Sự nghiệp cầm bút của bà diễn ra sau khi bà đã lập gia đình và nuôi dạy sáu người con. Bà mất năm 1988. Bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất ở thế hệ mình viết và xuất bản tiểu thuyết bằng tiếng Pháp tại Paris trong những năm 1960 cho đến những năm 1980. Printemps inachevé là tiểu thuyết đầu tiên của bà. Mặc dù nó không có bất cứ đề cập trực tiếp nào tới hay trích dẫn từ Truyện Kiều, nhưng vẫn có hàng loạt tương đồng mật thiết có chủ đích rõ ràng [giữa hai tác phẩm - ND], như sẽ được thể hiện [dưới đây - ND].
Printemps inachevé là một câu chuyện dễ hiểu. Bối cảnh được đặt tại Việt Nam trong những năm 1930 cho đến những năm 1950, nhưng các sự kiện quan trọng diễn ra vào năm 1945. Tiểu thuyết được phân tách rõ ràng thành ba phần: phần đầu và phần cuối được kể từ ngôi thứ ba, còn phần thứ hai bao gồm nhật ký của Tran, nhân vật nữ chính. Gia đình, xã hội và những biến động chiến tranh được nhìn nhận khái quát qua nhãn quan của những người phụ nữ, bởi bên cạnh nhật ký của Tran, phần một chủ yếu thuật lại những quan sát của Tuoi, chị gái cô. Cả hai chị em đều được mô tả là các hình mẫu đáng yêu và hòa nhã, nhưng cuộc đời của họ lại đi theo những con đường rất khác nhau.
Nhật ký của Tran bắt đầu từ tháng 2/1945 và khép lại vào tháng 7/1947. Cô là một thiếu nữ tự chủ và làm nghề thêu thùa. Cha cô đã mất vào cuối những năm 1930, và Tran kiếm đủ tiền để phụ giúp gia đình. Cô hài hước nhận xét rằng mẹ mình “sốt ruột như tất thảy các bà mẹ có con gái đến tuổi gả chồng” [6, tr.55]. Bà Thai nhắc Tran với ý quở trách rằng chị Tuoi đã lấy chồng ở tuổi đôi mươi. Tuy nhiên, Tran lại tận hưởng cuộc sống, công việc cũng như sự tự do của mình và hoàn toàn ý thức được những bó buộc mà chị Tuoi đang chịu đựng. Sau này, trong cuốn nhật ký, Tran giãi bày: “Tôi có cảm giác như một món hàng mà người ta tìm kiếm để bán chác, một đồ vật quý mà người ta muốn tống khứ vào tay người tử tế với giá thật hời. Tôi biết là không đúng khi phán xét như thế về mẹ mình, người mà tôi biết chắc chắn rằng chỉ muốn tôi được hạnh phúc” [6, tr.59]. Chuyện xảy ra sau đó thuận theo dòng sự kiện tự nhiên, Tran gặp một chàng trai trẻ tên Châu ở nhà bà Sang, một trong những khách hàng của cô - kì thực, anh là cháu của bà Sang - và cuối cùng, đôi trẻ yêu nhau. Mặc dù vậy, Tran mang nỗi lo lắng đặc trưng về sự khác biệt địa vị xã hội giữa họ: “Tôi là ai cơ chứ? Hoàn toàn chỉ hơn một đứa bé mồ côi nghèo khổ, có lẽ là giàu hơn đứa hàng xóm một chút xíu, chứ chẳng còn gì nữa cả. Còn anh, anh là một trí thức, một thầy giáo và người thừa kế duy nhất của bà Sang” [6, tr.79]. Đây là sự lặp lại một motif văn chương lâu đời, bộ đôi tài tử - giai nhân[6]. Giống như Kiều, Tran nhận thức quá rõ về các thuộc tính trí thức của Châu và những hạn chế của bản thân cô. Châu hơn hẳn Tran về mọi phương diện - xã hội, nghề nghiệp và học vấn. Cô phải ngưỡng mộ anh. Hai gia đình đều nhất trí rằng họ tương xứng, hay đúng hơn là bất tương xứng, và cặp đôi đính hôn vào tháng 7/1945. Bà Thai đã bình luận có phần khó chịu rằng, mặc dù con gái bà đã gặp được người rõ ràng là phù hợp: “con gái thứ của tôi, cũng như con gái đầu, đã tự lựa chọn hôn phu, phu quân cho nó mà không cần đến những lời khuyên của tôi cũng như người mai mối” [6, tr.89], và cả hai cô con gái đều biết rõ rằng: “Chị em tôi cảm thấy dù vui mừng nhưng mẹ bị tổn thương về uy quyền của người làm mẹ” [6, tr.90].
Nếu bà Thai cảm thấy bất lực trong việc sắp xếp hôn sự cho các con gái, thì bà quyết tâm thực hiện bổn phận của mình và ít nhất là khắc sâu vào tâm trí Tran những đức hạnh kinh điển của một người vợ. Đương nhiên bà không nói với người phụ nữ ấy về việc làm bản thân mình hạnh phúc. Những lời răn dạy của bà như sau: “Người vợ phải dễ bảo, dịu dàng, ân cần và luôn niềm nở. Với người phụ nữ ấy, kết hôn là khởi nguồn của sự tận tụy, hi sinh và những nguyên tắc đạo đức” [6, tr.99]. Bà hầu như không khiến hôn nhân có một triển vọng hấp dẫn: những năm tháng dâng hiến không ngừng nghỉ cho tất cả mọi người, ngoại trừ bản thân mình. Mặc dù có những quan điểm hiện đại của riêng mình, nhưng Tran dần dần tiếp thu triết lý của các bậc tiền bối về đức hạnh và danh dự của phụ nữ, với những hệ quả bi thảm. Như cô viết trong nhật ký: “Cả những truyền thống, những nguyên tắc đạo đức nữa, chúng làm tôi phẫn nộ. Nhưng điều tệ hại nhất chính là mặc dù không muốn, nhưng tôi lại chịu ảnh hưởng của những thứ khiến tôi phẫn nộ” [6, tr.138].
Châu - vị hôn phu của cô - quyết định tham gia các cuộc cách mạng chống lại ách đô hộ của Pháp tại Việt Nam. Anh muốn mối quan hệ của họ thực sự trọn vẹn, nhưng Tran từ chối làm chuyện ấy trước khi họ chính thức thành hôn. Sau đó, họ cách biệt đằng đẵng trong đau khổ, giữa khoảng thời gian ấy, đôi khi, Châu gửi về những bức thư dài, báo cho Tran biết tình hình chiến sự và chính trị hiện tại. Mục cuối cùng trong nhật ký của Tran đề tháng 7/1947. Cô đính kèm một lá thư dài cho Châu. Trong thư, Tran báo với anh về cái chết của mẹ cô và về một sự việc bất ngờ vào tháng Hai khi nhà cô trở thành mục tiêu lục soát của quân đội, và trong cuộc tìm kiếm đó, cô đã bị một tên lính Pháp cưỡng bức thô bạo. Cô bắt đầu lá thư dành cho Châu bằng từ “anh”, một danh xưng dần dần thực hiện đúng nghĩa đen của nó:
Vĩnh biệt anh, anh cả… em tin anh như tin một người anh cả chứ không phải như một vị hôn phu, một người anh mà em biết tình cảm của người ấy. Em không có quyền được anh yêu thương nữa. Em không còn xứng đáng. Em từ bỏ anh mãi mãi. Nếu em không có hạnh phúc, cũng không có cơ hội trở thành vợ anh, nếu em bị kết án phải chịu đựng nỗi ô nhục này, thì đó có lẽ là vì em phải trả giá cho những việc xấu mà em phạm phải ở kiếp trước [6, tr.167].
Cô trách bản thân vì bị cưỡng hiếp. Cô cảm thấy dơ bẩn và nhơ nhuốc. Cô đang trừng phạt chính mình vì điều xấu xa xảy đến với cô. Ở tận đáy lòng, cô đang tuân thủ mọi bài học mà mẹ và bà đã truyền đạt cho cô, và khi ấy, cô đã chịu khuất phục trước lẽ phải thông thường của những thế hệ trước. Nhật ký chấm dứt tại thời điểm này.
Tám năm sau, Hiệp định Geneva được ký kết, và Châu quay trở về. Giờ đây, Tran là y tá. Châu nài nỉ cô, anh tự trách mình vì đã để cô ở lại mà không được ai bảo vệ, và nhắc lại rằng anh yêu cô cũng như mong họ cùng nhau xây dựng cuộc sống. Tuy nhiên, cô không hề lay chuyển, cô tự nguyện từ chối quay lại. Thái độ của Tran gợi nhớ lại một cách mạnh mẽ nhân vật nữ chính của Nguyễn Du - Kiều.
Có những tương đồng rõ rệt giữa câu chuyện của Kiều và của Tran. Cả hai cô gái đều là nạn nhân của hoàn cảnh: một người trở thành kĩ nữ, người kia bị cưỡng bức. Cả hai đều đính ước trước khi gặp bất hạnh, và cả hai đều từ chối trở thành tình nương của người đàn ông mà họ đã đính ước. Cả hai người, sau nhiều năm xa cách và đau khổ - mười năm ở trường hợp Tran và mười lăm năm ở trường hợp của Kiều - cuối cùng cũng được đoàn tụ với người yêu. Cả hai đều được vị hôn phu trước đây của mình đề nghị làm lễ cưới, và cả hai đều chối từ cơ hội hạnh phúc này vì họ cảm thấy ô uế và không còn xứng đáng với tình yêu. Kiều tìm được một giải pháp để thanh thản và hạnh phúc, nhưng Tran thì khác, cô từ bỏ Châu, dù chị Tuoi khẩn thiết nài nỉ, làm việc cật lực đúng nghĩa và qua đời một năm sau đó. Là một phụ nữ độc lập, có thiên hướng và nghề nghiệp của riêng mình, cô đã bị phá hủy về cảm xúc khi mất Châu một cách tượng trưng lần cuối cùng. Sau khi cô chết, chị Tuoi và bạn bàn về bi kịch đời cô: “Đúng, Tuoi ạ, đời Tran giống như một đóa hồng bị gãy thân ngay thời khắc hé nở, như rạng đông vừa mới vàng rực đã bị thời tiết xấu làm cho ố màu, như một mùa Xuân dang dở” [6, tr.205].
Cuốn tiểu thuyết của Lý Thu Hồ là một bản viết lại câu chuyện của Kiều theo chiều hướng u tối. Trong khi nhấn mạnh những tương đồng rõ rệt giữa chuyện của cô ấy và chuyện của người nổi tiếng nhất trong số các nữ chính kinh điển, và rồi xoay ngược đoạn kết, Lý Thu Hồ chất vấn và phê phán sức nặng của đức hạnh và thanh danh trong cuộc đời người phụ nữ. Số phận của Tran chẳng có công tích nào đảm bảo về đức hạnh được huân thưởng và lương tâm được an ủi - những nét tiêu biểu trong số phận nàng Kiều của Nguyễn Du. Lý Thu Hồ vẫn giữ một khoảng cách mang tính châm biếm giữa nhân vật nữ chính của mình và hình mẫu huyền thoại của cô. Thay vì ngưỡng mộ Tran, vì có lẽ độc giả ngưỡng mộ nhân vật nữ chính kinh điển ấy, người ta lại xem việc Tran khăng khăng tuân thủ chuẩn mực của xã hội là lãng phí một cách không cần thiết và thiếu thỏa đáng. Do đó, tính cách của Tran làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu có đáng ca ngợi hay không khi Kiều nhận định rằng nàng không còn xứng đáng với người đàn ông mà nàng yêu nữa. Truyện Kiều vang vọng trong sáng tác của nhà văn hiện đại này, nhưng hiện thực mà Lý Thu Hồ lựa chọn để minh họa lại là sự phá hủy cuộc đời một người phụ nữ một cách đau đớn và không cần thiết.
Một tương đồng nữa giữa hai tác phẩm là cách khắc họa chị/em gái trong mỗi truyện: Vân trong Truyện Kiều và Tuoi trong Printemps inachevé. Dù phụ thuộc vào nhân vật chính, song các nữ nhân vật này thực hiện một vai trò quan trọng. Mỗi cô sống một cuộc đời bình thường, và đến lượt mình, cuộc đời ấy đối lập mạnh mẽ với cuộc đời của nhân vật trung tâm. Trong Truyện Kiều, Vân lấy Kim Trọng và nuôi dưỡng các con. Trong Printemps inachevé, Tuoi lấy chồng ở tuổi 20 và có hai đứa trẻ. Mỗi người tuân thủ vai trò truyền thống của người vợ, người mẹ. Sự rất bình thường của họ đóng vai trò làm nổi bật những sự kiện bi thảm trong cuộc đời chị/em gái họ.
Tuy nhiên, dù có những tương đồng này, vẫn có các khác biệt quan trọng. Trong Truyện Kiều, Kiều là chị gái, trong khi ở Printemps inachevé, Tran là em gái. Trong hành xử của mình, Kiều tuân thủ những quan niệm truyền thống về lòng hiếu thảo của bậc làm con và đức hạnh của người phụ nữ, trong khi ban đầu, Tran chống lại. Số phận của hai chị em u ám hơn trong tiểu thuyết hiện đại. Tran chết, còn chị gái cô, Tuoi, người đã mất chồng trong chiến tranh, bị bỏ lại cùng nỗi tiếc thương em gái và suy nghĩ về mất mát của mình với niềm cay đắng. Nhân vật này khác hẳn Vân trong Truyện Kiều. Vân - cô em gái đã kết hôn một cách bình thường - được miêu tả trong tình trạng gia đình hạnh phúc ở đoạn kết Truyện Kiều.
Những khác biệt trong cách khắc họa các nhân vật nữ ở hai tác phẩm phản ánh quan điểm riêng của các tác giả. Chọn một phụ nữ làm nhân vật chính cho thi phẩm của mình, Nguyễn Du đã tuân theo truyền thống trong văn chương và học thuật. Như soạn giả người Việt Nam Chế Lan Viên lưu ý: “Qua các thế kỷ, phụ nữ là nhân vật chính trong các tác phẩm văn chương của chúng ta” [1, tr.14-15]. Dẫu Nguyễn Du có trao cho nhân vật trung tâm của mình một mức độ phóng túng nhất định về tính dục, nhưng ở đoạn kết, ông để nàng thuận theo tiếng gọi của đạo đức truyền thống. Hơn nữa, nàng được xem như một nhân vật cao quý và anh hùng.
Ở phương diện khác, cách Lý Thu Hồ miêu tả nữ chính của mình mang đến hiệu ứng hơi trái ngược. Việc Tran thuận theo truyền thống lại đau đớn và không cần thiết. Những tương đồng trong chuyện của cô và của Kiều đóng vai trò củng cố sự đối lập đáng kinh ngạc giữa cách mở nút trong Printemps inachevé và trong Truyện Kiều. Trong khi Kiều được tác giả nam huân thưởng vì đã tuân thủ những quan niệm truyền thống về đức hạnh của người phụ nữ thì Tran bị trừng phạt bởi tác giả nữ vì thực hiện hành vi y hệt. Đặc điểm đó cho thấy khác biệt rõ rệt trong thái độ của hai nhà văn này. Thứ được ông xem là đức hạnh lại bị bà cho là tội lỗi và tiêu cực. Nguyễn Du viết truyện đạo đức từ câu chuyện của nàng Kiều, trong khi Lý Thu Hồ, trái lại, đưa ra một tác phẩm hiện thực ảm đạm về song đề của Tran. Yếu tố bi kịch trong Printemps inachevé được bộc lộ qua việc mất đi một cuộc đời trẻ trung và tài năng, một cuộc đời không mất trong chiến tranh mà mất bởi sự bám giữ tuyệt vọng vào những giá trị xã hội. Đó là bi kịch của Tran, cô không thiệt mạng vì những nguyên nhân khách quan mà chết bởi cảm giác tội lỗi và không xứng đáng do chính cô tự ấn định. Lý Thu Hồ dường như cũng ám chỉ rằng xã hội Việt Nam, với những quan niệm truyền thống về đạo đức và đức hạnh, cũng có trách nhiệm trong cái chết này. Không giống tiền bối Nguyễn Du, bà bộc lộ sự nhạy cảm thực sự với vấn đề giới tính, thứ đưa bà đến chỗ chất vấn hiện trạng (status quo)[7].
Câu chuyện của Tran cũng là một phúng dụ chính trị về Việt Nam hiện đại, trái với Kiều - tượng trưng cho Việt Nam truyền thống. Việc Tran bị một tên lính Pháp cưỡng bức tương tự chế độ thực dân của Pháp tại đất nước này, và cái chết sau đó của cô có thể được diễn giải như sự chia cắt và hủy hoại sau này đối với một quốc gia như một toàn thể duy nhất. Đất nước bị chia tách thành hai phần và dấn vào một cuộc nội chiến cay đắng và tiêu cực. Khi ấn định một số phận tàn nhẫn như thế cho nữ chính của mình, Lý Thu Hồ tạo ra một ám chỉ ảm đạm tới tình thế chính trị của Việt Nam giữa thế kỷ XX. Những đức hạnh khiến cho nhân vật Kiều trở nên cao quý ở đầu thế kỷ XIX đã thành ra lỗi thời trong câu chuyện của Tran ở thì hiện đại. Vì vậy, đức tin và tập tục truyền thống - những thứ cho phép Kiều, và rộng hơn là Việt Nam, tồn tại và phát triển trong lịch sử, dù có rất nhiều biến động - không còn thích hợp ở giữa thế kỷ XX nữa.
Tác phẩm kinh điển Truyện Kiều mà Lý Thu Hồ và những nhà văn Việt Nam sáng tác bằng tiếng Pháp khác[8] đề cập đến trong những tiểu thuyết hiện đại của họ là một thi phẩm đa diện mà vô số ý nghĩa có thể được (và đã được) ấn định lên đó. Chính vô số diễn giải này đã được các nhà văn đời sau ám chỉ và tận dụng, được gọi là quan niệm số mệnh và phúng dụ chính trị. Tuy nhiên, những dòng mạch chính hiển hiện mạnh mẽ nhất là hai khía cạnh trong song đề của nữ chính: tình cảnh của nàng trong tư cách một phụ nữ và một nạn nhân của hoàn cảnh. Kiều không chỉ là một cá nhân có cuộc đời là đối tượng cụ thể cho sự đỏng đảnh của số mệnh, nàng còn là một phụ nữ với những yếu thế khác mà giới tính áp đặt lên nàng. Lý Thu Hồ đã lưu ý tới việc nhận diện và khai thác cả hai tư tưởng này.
Có thể thấy ảnh hưởng của Truyện Kiều ở cả cốt truyện và cách xây dựng nhân vật trong Printemps inachevé. Miêu tả phụ nữ trong văn bản thời hiện đại này không chỉ đóng vai trò soi sáng mẫu hình trước đó mà còn cung cấp một cách hiểu sâu sắc hơn về chính nền văn hóa ấy. Tran là hóa thân thời hiện đại của Kiều, người nổi bật nhất trong những nhân vật nữ chính kinh điển của Việt Nam. Đó là tấm thẻ căn cước dẫn đến mất mát, thất vọng và cái chết, và đến lượt mình, nó dấy lên những câu hỏi về ý nghĩa và tính biểu tượng của Kiều, không chỉ như một hình mẫu phụ nữ mà còn như biểu tượng của cả một dân tộc. Là một hình mẫu, Kiều có thể đóng vai trò củng cố những phương diện tiêu cực trong sự tồn tại của nữ giới, chẳng hạn không có quyền lực và bị ngược đãi. Printemps inachevé của Lý Thu Hồ thể hiện việc phá hủy sự tồn tại của một người phụ nữ thông qua việc làm thui chột dần dần ý thức tự khẳng định và tự tạo hạnh phúc cho bản thân. Câu chuyện của Tran phản ánh sự xói mòn của xã hội truyền thống và việc những đức hạnh truyền thống đang ngày càng không phù hợp. Số phận của cô được phản ánh trong số phận của đất nước. Mặc dù cuộc đời Tran tương đồng mật thiết với cuộc đời Kiều, nhưng cô không có được giải pháp để hài lòng và thanh thản như Kiều, điều này phản ánh một thực tại u ám hơn. Tương ứng với đó, viễn cảnh cho Việt Nam cũng bi quan khi không có chủ nghĩa lý tưởng vốn là nét tiêu biểu trong đoạn kết của Truyện Kiều. Lý Thu Hồ chỉ ra rằng mẫu hình bị cưỡng bức, tự trách móc bản thân và cảm thấy có lỗi sẽ dẫn đến cái chết. Hệ thống đức tin chính trị đã duy trì đất nước ở thế kỷ trước đã không còn thích hợp nữa và sẽ dẫn đến việc phá hủy đất nước nếu không bị bác bỏ và không thay đổi. Để tồn tại được, đất nước này sẽ cần hình thành những đức tin mới và những con đường mới. Nếu không, như trường hợp của Tran, việc chấp nhận những giá trị truyền thống sẽ dẫn tới bi kịch. Cách đọc ấy ởPrintemps inachevé không chỉ đoạn tuyệt với quan niệm truyền thống của Việt Nam về đức hạnh của người phụ nữ mà còn đoạn tuyệt với quan niệm về những phẩm chất đã gắn kết dân tộc trong quá khứ.
Mai Thu Huyền dịch
Nguồn: Nathalie Nguyen (2000), “A Classical Heroine and Her Modern Manifestation: The Tale of Kieu and its Modern Parallels in Printemps inachevé”, The French Review, Vol.73, No. 3, February, pps. 454-462.
Tài liệu tham khảo
[1] Chế Lan Viên (1969), “De la vallée des larmes à la plaine du rire” [Từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui], trong Chế Lan Viên (biên soạn), Anthologie de la poésie vietnamiene [Hợp tuyển thơ Việt Nam], Les Editeurs français réunis, Paris.
[2] Chesneaux, Jean và Georges Boudarel (1971), “Les Révolutionnaires vietnamiens face au Kim Van Kieu” [Những nhà cách mạng người Việt Nam đối diện với Kim Vân Kiều], trong Jean Chesneaux, Georges Boudarel và Daniel Hemery, Tradition et révolution au Vietnam [Truyền thống và cách mạng Việt Nam], Anthropos, Paris.
[3] Huỳnh Sanh Thông (1983), “Lời giới thiệu”, trong Nguyễn Du, The Tale of Kieu [Truyện Kiều] (Huỳnh Sanh Thông dịch), Đại học Yale ấn hành, New Haven.
[4] Lefèvre, Kim (1990), Retour à la saison des pluies [Trở lại vào mùa mưa], Bernard Barrault, Paris.
[5] Liu, Wu-Chi (1966), An Introduction to Chinese Literature [Dẫn nhập văn học Trung Quốc], Đại học Indiana ấn hành, Bloomington.
[6] Ly, Thu Ho (1962), Printemps inachevé [Mùa xuân dang dở], J. Peyronnet et Cie, Paris.
[7] Marr, David (1981), Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 [Truyền thống Việt Nam trong thử thách, 1920-1945], Đại học California ấn hành, Berkeley.
[8] Nguyen, Cam (1992), “East, West, and Vietnamese Women” [Đông, Tây và phụ nữ Việt Nam], Journal of Vietnamese Studies 5.
[9] Nguyen, Trieu Dan (1991), A Vietnamese Family Chronicle: Twelve Generations on the Banks of the Hat Rivers [Biên niên sử một gia đình Việt: Mười hai thế hệ bên dòng sông Hát], McFarland and Company, Jefferson.
[10] Ta, Van Tai (1981), “The Status of Women in Traditional Vietnam: A Comparison of the Code of the Lê Dynasty (1428-1788) with the Chinese Code” [Địa vị của phụ nữ ở Việt Nam truyền thống: So sánh luật triều Lê (1428-1788) và luật Trung Quốc], Journal of Asian History 15.
[11] Tran, Van Tung (1946), Bach-Yên ou la fille au cœur fidèle [Bạch Yến hay cô gái có trái tim chung thủy], J. Susse, Paris.
[12] Triaire, Marguerite và Trinh Thuc Oanh (1939), En s’écartant des ancêtres [Khi xa cách ông cha], Imprimerie d’Extrême-Orient, Hà Nội.
[13] Woodside, Alexander B. (1983), “The Historical Background” [Bối cảnh lịch sử], trong Nguyễn Du, The Tale of Kieu (Huỳnh Sanh Thông dịch), Đại học Yale ấn hành, New Haven.
[14] Xuan-Phuc và Xuan-Viet (1961), Lời giới thiệu, trong Nguyễn Du, Kim Vân Kiều (Xuan-Phuc và Xuan-Viet dịch), Gallimard/ Unesco, Paris.
(*) TS. - Đại học Newcastle, Australia.
[1] Thi phẩm này đã gây ra vô số tranh luận trái chiều. Nó có cả người yêu lẫn kẻ ghét. Với Truyện Kiều, Nguyễn Du “đã tạo ra một cơn bão trong học giới qua hơn một thế kỷ bằng (giữa những thứ khác nữa) cách diễn giải chữ trinh theo hướng nhìn nhận lại” [7, tr.195]. Tuy nhiên, như Xuan-Phuc và Xuan-Viet lưu ý: “Trong văn chương thế giới, không còn nghi ngờ gì nữa, hiếm có ví dụ cũng như không có một tác phẩm lớn thời quá khứ lại tồn tại trong lòng nhân dân của một dân tộc như niềm say mê mà người Việt Nam hằng bộc lộ với Truyện Kiều từ một thế kỷ rưỡi nay” [14, tr.15].
[2] “Một nghiên cứu tại Hà Nội đã xác định trong tác phẩm có khoảng 50 trích dẫn từ Kinh Thi, một hợp tuyển thơ ca của Khổng Tử; khoảng 50 chỗ tham khảo từ những kinh điển Nho giáo khác; khoảng 60 chỗ dịch hoặc phóng tác từ nhiều bài thơ Trung Quốc; khoảng 70 chỗ ám chỉ tới văn học hư cấu Trung Quốc; và khoảng 20 chỗ đề cập đến kinh điển Phật giáo hoặc Đạo giáo. Học vấn uyên thâm ấy, nếu được thể hiện bừa bãi trong một tác phẩm tưởng tượng, có nguy cơ gây nhàm chán, hoặc thậm chí là khó chịu. Nhưng ở Truyện Kiều, nó vừa vặn một cách rất tuyệt vời trong bố cục của thi phẩm, rất thích đáng với mục đích ở mỗi trường hợp, nó có thể vượt quá tầm hiểu biết của độc giả phổ thông nhưng lại gây ngạc nhiên và phấn khích cho người hiểu biết” [3, tr.xxii].
[3] Các nhà phê bình đã thảo luận về chế độ phong kiến, mại dâm, tiền bạc và những động cơ liên quan đến Truyện Kiều. Thế nhưng, họ không nói gì về vấn đề giới tính. Chẳng hạn, xem [2, tr.356-384].
[4] Trong nguyên tác, tác giả sử dụng bản dịch tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông (Đại học Yale ấn hành, 1983) để trích dẫn: “In human fortune, Heaven takes a hand/ If she… left her debt unpaid/ She’d pay with interest in some future life” (tr.53) [ND].
[5] Tam tòng có nghĩa là phụ nữ có nghĩa vụ thuận theo cha khi chưa lập gia đình, thuận theo chồng khi đã thành hôn và thuận theo con khi góa bụa. Tứ đức là “làm việc đúng mực”, “nói năng đúng mực”, “ngoại hình đúng mực” và “hạnh kiểm đúng mực”. Chẳng hạn, xem [8, tr.46].
[6] Motif này là một đặc điểm của kịch đời Nguyên (1234-1368) và thịnh hành trong tiểu thuyết cũng như kịch Trung Quốc từ thế kỷ XIII trở về sau. Xem [5, tr.173].
[7]Cũng nên nhớ rằng giữa hai nhà văn và tác phẩm của họ có khoảng cách hơn 100 năm.
[8] Cụ thể, Marguerite Triaire và Trinh Thuc Oanh; Tran Van Tung; Kim Lefèvre. Tran Van Tung và Kim Lefèvre khai thác trực tiếp chất thơ và những mối quan hệ được miêu tả trong Truyện Kiều. Marguerite Triaire và Trinh Thuc Oanh đề cập đến yếu tố số mệnh ngự trị rất mạnh mẽ trong truyện thơ này.
Nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tiếng Việt trong Truyện Kiều - Lung linh hương âm Xứ Nghệ
“Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Trích “Truyện Kiều”) Cho đến nay, hơn hai thế kỷ đã đi qua, Truyện Kiều vẫn là “thiên thu tuyệt diệu từ” trong kho tàng văn chương Việt Nam. Đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du đã làm vinh dự cho... -
Một số từ địa phương Nghệ Tĩnh trong truyện Kiều
Nhà văn Nga M.Gorki từng nói: “Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học”. Văn chương là loại hình nghệ thuật lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng, phản ánh đời sống. Tài năng và sức sáng tạo của một nhà văn thể hiện ở trình độ sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những nội dung tư... -
70 kỷ lục mới phát hiện trong Truyện Kiều
Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) qua hàng trăm năm được đón nhận như một kiệt tác của dân tộc. Đã có nhiều hình thức văn hóa, văn học Kiều sâu rộng như tập Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, viết tiếp Truyện Kiều, Truyện Kiều đọc ngược, giai...