Đi tìm Nguyễn Du của thế kỷ 20
HNTĐ
Mới ngày nào năm ấy. Khoảng 1793. Nguyễn Du còn nấp trong bóng tối nhìn ngắm và lắng nghe người đàn bà vừa hát vừa gảy đàn ở Long Thành. Để chừng 20 năm sau, nhờ tiếng đàn ấy mà nhận ra sự tàn tạ của một triều đại lịch sử bể dâu biết bao đau đớn. Trăm năm chớp mắt có là bao. Lại 250 năm nữa qua rồi. Tên tuổi của Nguyễn Du chói sáng trên bầu trời thi ca nước Việt. Thơ ông là tiếng kêu đứt ruột của thân phận con người được diễn tả bởi một áng văn chương chữ Nôm trong sáng và tuyệt bích. Người đời bao lâu rồi ngâm ngợi truyện Kiều chốn lầu son gác tía. Hát ru nơi cánh võng làng quê bốn mùa gió nghèo xao xác thổi. Hậu thế đã và sẽ thêm bao nhiêu tiêu chí để nói rõ rành những chiêu thức thi ca của người được nhân loại gọi tên là đại thi hào? Chế Lan Viên đã từng viết. Trong câu Kiều xưa ta tìm ra Nguyễn Du mà tìm cả chính mình. Thơ ca thế kỷ 20 có những ai noi theo và lan tỏa được như Nguyễn Du trong số hàng nghìn thi sĩ đã nhập thân cuộc đời và ngọn bút của họ với thăng trầm của lịch sử dân tộc cùng một trăm năm ấy?
Lịch sử thế kỷ 20, chưa bao giờ vận mệnh của dân tộc lại gắn liền với những biến chuyển của thế giới sâu sắc đến như vậy. Thế kỷ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân loại và sự thiết tha được sống yên ổn trong hòa bình chưa bao giờ lại quyết liệt đến như vậy. Trên nền tảng ấy, lịch sử Việt Nam có hai điểm son ghi dấu ấn của nó vào thi ca. Đó là suốt 100 năm người Việt Nam đi tìm đường để kiến tạo độc lập, tự do và phát triển. Quá trình ấy cho đến nay vẫn chưa dừng lại. Đó là thế kỷ để được sống yên ổn trong hòa bình, chưa một dân tộc nào lại buộc phải gươm súng ra chiến trường để giành và giữ nền độc lập với thời gian dài và ác liệt như vậy. Chính hai đặc điểm ấy đã đặt nền tảng lịch sử cho chủ đề tìm đường chân lý, khát vọng sống của cá nhân con người, chiến tranh và hòa bình xuyên suốt cả một thế kỷ thi ca. Và khuynh hướng sử thi cùng với những khúc ca tha thiết và bi tráng về số phận con người đã trở nên khuynh hướng chủ đạo của thi ca Việt Nam thế kỷ 20. Đó cũng là cơ sở lịch sử cho sự gắn bó không thể chia cắt giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo được xác lập trong thơ hiện đại từ truyền thống của Nguyễn Du.
Những thời đại trong thi ca chưa hẳn đã trùng khít với giai đoạn của lịch sử bởi vòng sóng giao thoa ánh sáng của sáng tạo thi ca. Heghen nói. Đối tượng duy nhất của thơ là cái vương quốc vô hạn của tinh thần. Thi ca phản ánh lịch sử theo cách riêng của nó. Trên quan điểm ấy, thi ca thế kỷ 20 có 3 phân khúc lớn. Khoảng 45 năm đầu tiên là chặng đường đi tìm chân lý và phương thức đến với độc lập tự do của dân tộc. Cũng là chặng đường chuẩn bị, tìm tòi và thực hiện cách tân của thi ca Việt Nam trên con đường thể hiện khát vọng sống tự do của cá nhân con người và lý tưởng cách mạng với hai trào lưu thơ chủ đạo là thơ của phong trào Đông kinh nghĩa thục và phong trào Thơ mới. Để có một thời đại mới trong thi ca như phong trào Thơ mới chỉ bùng nổ trong 10 năm, phải có những bước chuẩn bị lâu dài từ đầu thế kỷ. Thậm chí nó đã được khởi nguyên từ khi có Từ điển Việt – Bồ - La tinh. Xuất bản 1651. Đánh dấu sự gặp gỡ buổi ban đầu của văn hóa Đông – Tây. Khoảng 40, 45 năm tiếp theo là cuộc trường chinh giữ và bảo vệ nền độc lập tự do và biên cương lãnh thổ. Nửa thế kỷ lúa chín không yên vì bom nổ ở gần. Đạn nổ ở xa. Đó là thời kỳ của những chiến binh cách mạng ra đi từ mùa đông 1946. Thuở áo trấn thủ vệ quốc đoàn. Không ít người trong số họ đi mãi đến mùa xuân 1990. Khi tóc đã bạc trắng mới cởi giáp trở về quê hương. Đó là thời kỳ phát triển xung mãn nhất của thế hệ các nhà thơ sinh ra trong đạn lửa kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên cương lãnh thổ. Thi ca Việt Nam thực sự được viết trên mình ngựa chiến. Hình tượng Tổ quốc, nhân dân và người lính đã rũ bùn đứng dậy và tạc dáng đứng vào thế kỷ. Chừng 10 đến 15 năm cuối cùng, gắn với quá trình đổi mới và nhận thức lại con đường phát triển của đất nước với những thách thức về sự hoàn thiện những giá trị nhân văn, bất chấp một số biểu hiện tầm thường và dung tục hóa thi ca, một thế hệ mới nhà thơ, không lặp lại ánh sáng hào quang của quá khứ, tự mình thắp nến cho cuộc sinh nở thi ca gắn bó với thân phận con người của thời đại mình. Thế hệ của họ đang vươn tới những phong cách thơ định hình và thực sự có tầm vóc.
Lịch sử thi ca Việt Nam có một số phận kỳ lạ. Hai nghìn năm sau công nguyên đã mất 1000 năm đầu tiên không có thơ ca Việt bằng chữ viết. Đâu phải dân tộc Việt không có hồn thơ và không có người làm thi sĩ. Một nghìn năm tiếp theo có đến 900 năm đầu thi ca Việt được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Phải đợi đến nửa sau của 900 năm ấy mới làm nên tên tuổi thi hào. Nguyễn Trãi. Thế kỷ 15. Để đến lúc, bất chấp mọi biến cố và thăng trầm của lịch sử, Nguyễn Du và Đoạn trường Tân Thanh xuất hiện. Từ khởi nguyên đến thăng hoa phải mất 900 năm. Vậy 100 năm cuối cùng ngắn ngủi của thiên niên kỷ thứ hai, thơ kịp làm nên những tượng đài gì mới?
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du
Bước vào thế kỷ 20, người ta có thể nghĩ tới 3 lối rẽ của thi đàn công khai. Hoặc là lại tiếp tục viết thơ bằng chữ Hán, chữ Nôm của truyền thống 900 năm trước? Hoặc là lặp lại câu chuyện của đầu thế kỷ thứ 10. Dùng chữ của kẻ ngoại bang từ xa ba biển đến… Viết thơ bằng chữ Pháp. Nhưng cả hai lối rẽ ấy đều ít ai thực hiện.
Thơ ca Việt Nam bước vào đại lộ văn chương viết bằng chữ quốc ngữ. Đó là thứ chữ được kiến tạo bằng cách dùng chữ cái La tinh và một số dấu ngữ âm của các ngôn ngữ phương Tây để phiên âm tiếng Việt. Lúc đầu nó chỉ ê, a trong các giáo đường hẻo lánh lợp cỏ tranh của đạo Gia tô. Để rồi đến thế kỷ 20 trở thành phương tiện biểu cảm kỳ lạ cho cảm xúc và tâm hồn Việt Nam. Không phải chúa mà chính là sự gặp gỡ của văn hóa Đông – Tây trên dòng chảy của toàn cầu hóa đã tạo dựng cuộc cách tân kỳ diệu, chưa bao giờ được thấy trong lịch sử. 100 năm thi ca Việt đã biến đổi toàn diện từ cảm xúc, hình tượng đến ngôn ngữ và thể loại. Một diện mạo mới của thi ca Việt đã chào đời.
Vào đầu thế kỷ. Có hai nhà thơ thương tiếc chữ Nho. Trần Tế Xương không chỉ một lần ngao ngán cất lên thôi có làm chi cái chữ nho như một lời cáo chung chua xót của thời đại văn chương viết bằng Hán tự. Chừng 30 năm sau, dường như thời gian đã đủ nguôi ngoai để Vũ Đình Liên làm nốt cái sự nuối tiếc chữ Hán một thời đã qua khi mà giấy đỏ buồn không thắm, mực đọng trong nghiên sầu. Sang thế kỷ 21. Chợ chữ Nho ở tường đông Văn Miếu dường như nhộn nhịp trở lại. Nhưng thầy đồ thì vĩnh viễn ra đi cùng với thời đại của họ. Giấy đỏ mực tàu chỉ là thú chơi ngày Tết. Giống như người ta dùng lại chiếc yếm thắm trong bộ sưu tập thời trang sang trọng của kẻ phong lưu. Chữ Nho giờ chỉ còn lại trên những bức tường rêu phong của ngôi miếu hoang vắng nơi làng quê xa xôi. Những bia đá hoành phi câu đối ở đình chùa và gia thất. Hoặc ẩn trên những trang sách cổ bên trong các tòa lâu đài mang tên quá khứ. Chứng tích một thời bản tính giao hòa và cao thượng của tâm hồn Việt. Thừa nhận và chung sống bên cạnh nhau những nền văn minh.
Lịch sử thi ca thế kỷ 20 có hiện tượng, nói như nhà thơ Tố Hữu: Nhà cách mạng làm thơ. Không phải nhà thơ làm cách mạng.Phan Bội Châu với bao dòng thơ viết bằng máu lửa trong Hải ngoại huyết thư. Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất mà còn là một thi sĩ đích thực. Cảm nhận được vẻ đẹp bình dị tươi sáng của cô em xóm núi xay ngô tối, xay hết lò than bỗng rực hồng. Và không thể không nhắc đến Tố Hữu. Một hồn thơ trải rộng bởi Từ ấy đến Nước non ngàn dặm. Tôi nhớ Tố Hữu, không phải từ cái gì khác mà từ buổi Rứa là hết, chiều ni em đi mãi. Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi. Năm ấy, thi sỹ mới 18 tuổi tóc còn xanh. Đến khi tóc bạc hãy còn day dứt Nỗi niềm chi rứa Huế ơi, mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
Ứng với mỗi phân khúc của thi ca thế kỷ 20, chưa bao giờ trong lịch sử, cứ chừng 15 năm, lại một thế hệ nhà thơ mới xuất hiện bước lên thi đàn. Cho phép tôi được trang trọng kể tên một số trong số nhiều thi sĩ tiêu biểu mà tác phẩm và thi pháp của họ có ảnh hưởng sâu đậm đến hậu thế. Tản Đà. Xuân Diệu. Huy Cận. Chế Lan Viên. Hàn Mặc Tử. Nguyễn Bính. Vũ Hoàng Chương. Nguyễn Đình Thi. Văn Cao. Chính Hữu. Hoàng Cầm. Quang Dũng. Hữu Loan. Phạm Tiến Duật. Hữu Thỉnh. Nguyễn Khoa Điềm. Nguyễn Đức Mậu. Bằng Việt. Thanh Thảo. Lưu Quang Vũ. Vũ Quần Phương. Xuân Quỳnh. Thu Bồn. Nguyễn Duy. Hoàng Nhuận Cầm. Nguyễn Quang Thiều. Và những người khác.
Họ góp lửa vào nền thơ hiện đại Việt Nam bằng những cá tính sáng tạo không ai giống ai và bằng nhiều cách khác nhau. Có khi là một tập thơ quy tụ nhiều bài thơ đặc sắc làm tròn đầy một phong cách thơ. Lửa thiêng của Huy Cận. Thơ Thơ và gửi hương cho gió của Xuân Diệu. Điêu Tàn, Ánh sáng và Phù sa. Di cảo của Chế Lan Viên. Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Người chiến sĩ của Nguyễn Đình Thi. Đầu súng trăng treo của Chính Hữu. Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật. Đất ngoại ô của Nguyễn Khoa Điềm. Thư mùa đông của Hữu Thỉnh. Cánh rừng nhiều đom đóm bay của Nguyễn Đức Mậu. Hoa dọc chiến hàocủa Xuân Quỳ. Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều v.v… Đó là một số trong nhiều tập thơ hay nhất của thế kỷ 20. Đôi khi chỉ một bài và một bài thôi đã khắc dấu ấn thi sĩ vào tập thơ thế kỷ. Thế kỷ 20 tự hào có hàng trăm bài thơ hay nhất của mình. Những bài thơ đó thường hội tụ những phẩm chất và cá tính sáng tạo nổi trội của thi sĩ. Tập hợp những bài thơ ấy thông qua sự lựa chọn kỹ càng sẽ là minh chứng rõ ràng cho thành tựu thơ thế kỷ 20. Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp. Nhớ về Hà Nội vàng son của Vũ Hoàng Chương. Nhớ máu của Trần Mai Ninh. Nhớ của Hồng Nguyên. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Tây Tiến của Quang Dũng. Màu tím hoa sim của Hữu Loan. Cửu Long giang ta ơi của Nguyên Hồng. Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân. Bài thơ của một người yêu nước mình của Trần Vàng Sao. Cuộc chia li màu đỏ của Nguyễn Mỹ. Nửa sau khoảng đời của Vũ Đình Văn. Hai nửa vầng trăng của Hoàng Hữu v.v.v. Và nhiều bài thơ khác.
Có người khiêm tốn mang đến thi đàn treo một câu thơ thôi để nó ở lại mãi với đời. Ví như. Từ thuở mang gươm đi mở nước, nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long. Hay như. Đừng buông giọt mắt xuống sông, anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm…Thế kỷ 20 có hàng nghìn câu thơ tài danh như thế. Không thể kể hết được. Xứng đáng để Hội thơ Văn Miếu rằm tháng giêng treo trên giấy đỏ lụa điều.
Nửa sau thế kỷ 20, bên cạnh việc xác lập địa vị của thơ tự do, trường ca hàng nghìn câu xuất hiện như là một bước tiến về mặt thể loại. Những người trên cửa biển của Văn Cao. Bài ca chim Chơrao của Thu Bồn. Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh. Những người đi tới biển của Thanh Thảo. Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu.Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo v.v… Trường ca thế kỷ 20 là bức tranh rộng lớn của lịch sử. Kết cấu của trường ca hiện đại được phát triển theo hướng đa tầng sự kiện và nhân vật, kết hợp việc diễn tả nội tâm, bảy tỏ những cảm xúc trữ tình của chủ thể sáng tạo. Những ai trong số họ làm được sự hài hòa giữa chuyện và tâm trạng bằng hình tượng và ngôn ngữ thơ tuyệt đích như trong truyện Kiều thì phải đợi thời gian trả lời.
Xét về trường cảm xúc thi ca, trải dài mà viên mãn trên cả 3 phân khúc đã nói ở trên trong thế kỷ 20, có lẽ có 4 nhà thơ dài hơi nhất. Xuân Diệu. Huy Cận. Chế Lan Viên và Tố Hữu. Họ đến với thi ca từ nửa đầu thế kỷ. Những năm 17, 18 tuổi. Đến những năm gần như cuối cùng. Trong đó, có lẽ Chế Lan Viên là thành công hơn cả; kể từ buổi Điêu Tàn như một ngọn tháp kinh dị giữa cánh đồng thơ đến Di cảo đầy trăn trở ưu thời mẫn thế?
Từ cảm hứng tình yêu quê hương và mong ước hòa bình, sáng tác của nhiều thi sĩ miền Nam trước 1975 đã góp vào tiếng nói cách tân và đổi mới thi ca. Chẳng khác gì nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Một Tô Thùy Yên ngẩn ngơ trông trời đất cũ, nghe tàn cát bụi tháng năm bay, trở về khi làng ta ngựa đá đã qua sông. Một Nguyên Sa áo lụa Hà Đông thanh khiết trong giấc mơ đổi mới vần của thơ hiện đại. Một Thanh Tâm Tuyền, gạt đi những buồn nôn vay mượn là hồn thơ như nắng thủy tinh chỉ thèm gọi tên mình cho đỡ nhớ… Thi ca cũng như dòng chảy của lịch sử. Thau rửa và làm nguôi ngoai vết thương chia cắt. Độ lượng gọi những đứa con trên các nẻo đường trở về sum họp.
Thi ca thế kỷ 20 lội bùn với người cày ruộng. Chia lửa với người cầm súng. Đau với những nỗi đau sinh nở và mất mát của một kỷ nguyên vĩ đại. Thở dài trước những sa đọa của văn hóa và đạo đức đời thường. Thơ nhìn ra bốn phương tám hướng trăn trở cùng dân tộc trên đường phát triển. Thi ca thế kỷ 20 là thế giới tinh thần của người Việt Nam thời hiện đại. Các thi sĩ không một ai trong số họ còn phải đứng trong bóng tối để nhìn ngắm những giá trị tinh thần của thời đại giống như Nguyễn Du thời ở Long Thành.
Gấp lại một thế kỷ Thơ, lòng ta say đắm vầng trăng viên mãn tuổi 20. Nhưng không khỏi băn khoăn tự hỏi. Chưa bao giờ loài người biết đến Việt Nam như thời hiện đại. Ai là thi sĩ đã dạy cho loài người cách sống như lịch sử của dân tộc đã làm. Ai làm được như Nguyễn Du dịch chuyển vầng trăng của ông qua biên thùy bao nhiêu ngôn ngữ? Các nhà thơ đương đại và mai sau sẽ trả lời. Họ là người lưu giữ quá khứ và thay đổi tương lai.
Theo Khuất Bình Nguyên.vanvn.net
Nguồn: http://www.nguyendu.com.vn/
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Năm mươi câu Kiều hay nhất
Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có 3.254 câu. Là một tuyệt tác, nên nói chung, câu nào cũng hay, tuy mức độ khác nhau. Như vậy có nghĩa là có câu hay nhiều, câu hay ít, thế mà từ xưa đến nay, ta chưa thấy các nhà nghiên cứu, phê bình chỉ cho bạn đọc biết những câu thơ điển... -
Những yếu tố tác động đến Nguyễn Du và Truyện Kiều
Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh ra Thăng Long, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trong một gia đình có nhiều đời và nhiều người làm quan to dưới triều Lê - Trịnh. Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm.... -
Những di sản đặc biệt gắn với Nguyễn Du trên đất Thái Nguyên
Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, con người và tác phẩm đã được tổ chức Văn hóa thế giới UNESCO công nhận và nhiều người biết đến. Nhân 250 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Du (1766-2015) chúng ta cùng tìm hiểu về những di sản văn hóa... -
Nguyễn Du và Truyện Kiều từ góc nhìn giáo dục- văn hóa
Giải mã ngôn ngữ trong Truyện Kiều người đọc sẽ cảm nhận, thụ hưởng và khai thác được các giá trị văn hoá đặc sắc nhất của người Việt mà Nguyễn Du đã kí thác trong đứa con tinh thần của mình. Đó là các giá trị làm nên hồn cốt Việt, không thể trộn lẫn, bao gồm: giá trị triết học,...