Tầm vóc Đại thi hào Nguyễn Du

HNTĐ

Nguyễn Du đã trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.

Nói Nguyễn Du, ở thời điểm hôm nay - năm 2021, là nói đến những kỷ lục mà trước ông và sau ông chưa ai sánh được.

Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. (Ảnh: Đậu Hà)

Một khối lượng trang viết về ông trên hàng trăm pho sách trong ngót trên hai trăm năm và càng về sau càng dày, càng nặng. Một số lượng người đọc không thể nào tính hết, thuộc mọi tầng lớp cư dân, từ một ông vua tự nhận là hay chữ đến mọi tầng lớp bình dân chưa hề biết chữ, trong đó không hiếm những người có thể thuộc lòng hàng nghìn câu thơ Kiều, hoặc có thể đọc ngược rất nhiều đoạn.

Một sự đọc không theo các phương thức quen thuộc mà rất linh hoạt, biến hóa để mở rộng trường diện hứng thú cho sự thưởng thức, tùy thuộc vào những nhu cầu tinh thần khác nhau của nhiều lớp người. Đó là lẩy Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều, xướng họa về Kiều cho các bậc trí thức và bói Kiều cho mọi tầng lớp cư dân, bất kể sang hèn. Sức sống Truyện Kiều còn vượt ra ngoài sự đọc để tràn sang nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như sân khấu, ca nhạc, hội họa, gần đây là điện ảnh...

Những kỷ lục như trên diễn ra chung quanh Truyện Kiều và nói Truyện Kiều là nói Nguyễn Du, người sáng danh nhất không chỉ trong nền văn chương Việt trung đại mà là cả lịch sử văn chương Việt. Chính ông là người đầu tiên của văn chương Việt được nhân loại tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1965 - nhân kỷ niệm 200 năm sinh, do Hội đồng hòa bình thế giới trao tặng. Cũng chính ông, lần thứ hai được tổ chức UNESCO tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, vào năm 2015 - nhân 250 năm sinh, sau hai tác giả khác là Nguyễn Trãi, năm 1980, nhân 600 năm sinh và Hồ Chí Minh, năm 1990, nhân 100 năm sinh. Vậy là hai lần Nguyễn Du đi ra “đại lộ văn chương” thế giới.Tầm vóc Đại thi hào Nguyễn Du


                                                                    Ảnh: internet

Đối với dân tộc Việt Nam, Nguyễn Du là một tác gia lớn với một sự nghiệp viết không thực đồ sộ nhưng có giá trị kết tinh rất cao. Trước hết đó là 3 tập thơ chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài), Nam Trung tạp ngâm (34 bài), Bắc hành tạp lục (131 bài) in rất đậm bản sắc và bản lĩnh cá nhân một hồn thơ rất giàu tình thương đời, tình yêu nước và yêu dân. Cùng với thơ chữ Hán là thơ Nôm, với Văn tế thập loại chúng sinh (184 câu song thất lục bát, dồn chứa một cảm thông cùng tận với tất cả những thân phận khổ đau, bất hạnh); 2 tác phẩm ngắn ở tuổi hoa niên: Thác lời trai phường nón, Sinh tế Trường Lưu nhị nữ…

Nguyễn Du còn là tác giả của Truyện Kiều. Và đây mới thực là một sự kiện làm thay đổi tầm vóc, khiến cho Nguyễn Du trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Và với tầm vóc đó, rất dễ dàng và nhanh chóng, không chỉ công chúng Việt mà về sau là cả nhân loại nhận ra ngay một tương đồng giữa Nguyễn Du với nhiều danh nhân khác trên thế giới như Đantê (1265 - 1321) với Thần khúc của Ý, như Gớt (1749 - 1832) với Phaux của Đức, như Puskin (1799 - 1837) với Épghênhi Ônêghin của Nga… Có nghĩa là, Truyện Kiều là kết quả một thăng hoa đột xuất của Nguyễn Du, khiến cho chỉ cần nói đến Truyện Kiều là đủ để nói Nguyễn Du - người đã đem lại một giá trị tinh thần rất tươi mới và đặc trưng cho văn chương Việt, ngôn ngữ Việt, bản sắc Việt, hồn Việt…

Trên dưới 35 văn bản dịch Truyện Kiều của hơn 20 ngôn ngữ trên thế giới trong hơn một thế kỷ qua và vẫn còn đang được tiếp tục - đó là đường biên rộng nhất cho sức lan tỏa của một tác phẩm.

Truyện Kiều, trước hết và chủ yếu là truyện về một nhân vật có tên Thúy Kiều. Qua cách kể, tả, dựng của Nguyễn Du thì đó là nhân vật có sứ mệnh gánh chịu nỗi đau cho một nửa nhân loại:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Khác với tất cả các nhân vật nữ trong tất cả các truyện Nôm khuyết danh hoặc có tên tác giả ra đời trong hai thế kỷ XVIII và XIX, Kiều không có vướng víu gì với lễ giáo phong kiến để mà chống lại nó hoặc tìm cách dung hòa, thỏa hiệp với nó. Trước và sau 15 năm chìm nổi, Kiều có đến ba mối tình và mối tình nào cũng có dư vị. Không kể Kim Trọng, Từ Hải, ngay cả Thúc Sinh là anh trai con nhà buôn lấy vợ nhà quan, quen thói bốc rời và sợ vợ, thế mà vẫn được hưởng ở Kiều một nỗi nhớ tuyệt vời, đẹp như cổ tích:

Vầng trăng ai sẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Sau 15 năm ê chề trong thân phận ong qua bướm lại, vậy mà khi gặp lại Kim Trọng, Kiều vẫn tin tưởng còn một chữ “trinh” để dành cho người yêu đầu:

Chữ trinh còn một chút này

Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan

3 nhân vật chính trong bộ phim điện ảnh “Kiều” là Thúc Sinh - Kiều - Hoạn Thư. Ảnh: internet

Có một nàng Kiều nào trong đời và trong văn chương, từ cổ điển đến hiện đại đạt được một sự sống lung linh và đầy đặn đến thế! Sự sống của một nhân cách tự do, vượt lên nhân quần bằng cả sắc và tài.

Thế nhưng, Kiều lại phải gánh chịu một sự đầy đọa trên khắp mặt sự sống nhân gian chồng chất oan khổ. Và đây là sự vượt thoát của Nguyễn Du, để qua Kiều, sau Kiều mà tạo dựng cả một xã hội với rất nhiều gương mặt đại diện, kể từ thằng bán tơ, qua Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh, Khuyển Ưng… cho đến Hồ Tôn Hiến.

Trước những áp lực đến từ thế giới đó, Kiều đã phải bao lần thay thân đổi phận: Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần; Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung; Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa. Không một nhân vật nào trong lịch sử văn chương Việt lại phải chịu một sự bủa vây dày đặc những mắt lưới oan khiên đến thế!

Tôi muốn nói ở đây, với Truyện Kiều và với nhân vật Thúy Kiều, Nguyễn Du đã tạo được một giao thoa giữa tư duy nghệ thuật cổ điển và hiện đại. Tức là một vượt thoát rất ngoạn mục bộ đồng phục của văn chương cổ điển với mọi ước thúc, ràng buộc chật chội của nó, sang bộ cánh hiện đại khiến cho bất cứ người đọc nào trong chúng ta hôm nay cũng không thấy bỡ ngỡ hoặc xa lạ. Nếu cần một câu thơ đúc kết được trọn vẹn thành tựu của sự vượt thoát đó ở Nguyễn Du, thì đó là:

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Chỉ 8 chữ mà gắn nối được phương thức tư duy của chủ nghĩa hiện thực với đích đến là chủ nghĩa nhân đạo. Câu nói của Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân ngay từ năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời thật sâu sắc biết chừng nào: “Nếu không có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”.

Làng Tiên Điền, quê hương Đại thi hào Nguyễn Du

Như vậy, nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt vời vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt. Một tiếng Việt rất bác học và rất dân gian, rất cổ điển và rất hiện đại trong 3.254 câu thơ Kiều, xứng danh là “thiên thu tuyệt diệu từ”, là một khúc “nam âm tuyệt xướng”, sau Quốc âm thi tập ngót 400 năm. 3.254 câu với 22.778 chữ, gần như tất cả cứ mới mẻ, cứ nguyên vẹn, cứ tinh khôi như thế mà có ở khắp cửa miệng mọi người dân Việt suốt hơn 200 năm qua; mà in sâu vào bộ nhớ của bất cứ ai sinh ra trên dải đất mang hình chữ S này.

Hơn ai hết, Nguyễn Du là bậc thầy tuyệt vời nhất, là đại diện sáng giá nhất cho tất cả những ai chọn nghề viết văn, làm thơ, tức là chọn ngôn ngữ làm phương tiện cho nghề và nghiệp của mình. “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Xét rộng ra và nhìn vào hành trình dài của lịch sử, câu nói đó của Phạm Quỳnh không phải không có một phần sự thật.

                                                                                             Giáo sư Phong Lê
                                                                                                        Nguồn: https://baohatinh.vn/

CÙNG CHUYÊN MỤC