Một tập bút ký hay về Hà Nội
HNTĐ
Hà Nội "Gặp gỡ với nụ cười" (NXB Công an nhân dân, 2016) là một tập bút ký mới của giáo sư Hà Minh Đức. Mới mở cuốn sách, tôi đã có hình dung chưa đúng, đây là tác phẩm mang tính kinh viện, nghiên cứu hoặc khảo cứu về văn hóa, phong tục Hà Nội của vị giáo sư khả kính, người thầy của nhiều thế hệ nhà văn, nhà thơ, nhà báo hiện nay. Thế nhưng càng đọc tôi càng phát hiện ra những địa danh, những phố, những nhà chỉ là cái cớ tác giả mượn để kể cho chúng ta nghe từng câu chuyện về Thủ đô Hà Nội những năm 1954 trở lại đây.
Từ một chàng thanh niên tuổi đôi mươi đi bộ từ Thanh Hóa ra Hà Nội với quyết tâm thi vào đại học, tới một giáo sư văn học nổi tiếng, giáo sư Hà Minh Đức đã có hơn 60 năm sống, làm việc ở Thủ đô và đã nặng lòng với mảnh đất kinh thành như chính ông từng bộc bạch: "Tôi chăm chú học tập, tìm hiểu, ghi chép cảnh đời qua năm tháng với niềm say mê trong những trang viết trung thực, ân tình". Hay nói một cách khác, đó là một chặng đường dài để ông thực sự trở thành người của Hà Nội. Một Hà Nội được tiếp thu kiến thức từ những người thầy đáng kính như Đặng Thai Mai, Trương Tửu, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo...; những đồng nghiệp, đồng lứa tên tuổi như Phan Cự Đệ, Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đình Chú, Bùi Văn Nguyên... Đặc biệt, tại căn nhà trên phố Hàng Ngang (nơi ông ở lâu nhất), ông có nhiều kỷ niệm với các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Tô Hoài... Những câu chuyện ông kể không chỉ thú vị, hóm hỉnh, hấp dẫn về một thời gian khó nhưng vô cùng trong sáng đáng yêu, mà còn mang giá trị sử liệu văn học.
Ở thể ký, đã có không biết bao nhiêu tác phẩm viết về Hà Nội của các cây bút tên tuổi trong làng văn, làng báo. Vì vậy, tư liệu có khi không khác nhau mấy, mà quan trọng là dấu ấn cá nhân của tác giả đặt vào đó, đặc biệt là những lời bình và luận. Đó cũng là điều khác biệt ở cuốn sách này. Khẳng định Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một cội nguồn của văn hóa Việt, giáo sư Hà Minh Đức đã bình rất khiêm nhường mà sâu sắc: "Một dân tộc biết quý trọng tri thức và tri thức góp phần làm nên lịch sử dân tộc là một dân tộc đáng kính". Viết về mùa hoa sấu rụng, ông bất ngờ buông nhẹ như một câu thơ: "có những loài hoa chỉ đẹp khi rơi xuống đất" hay "Cây xanh có sự sống, có tiếng nói riêng. Hãy lắng nghe, đấy cũng chính là âm thanh cuộc sống"
Tuy nhiên, với tôi, phần đặc sắc nhất của cuốn sách này lại nằm ở những trang viết về những người dân Hà Nội bình thường vì nó mang nhiều tầng ý nghĩa nhân văn không dễ phát hiện hoặc dễ bị lãng quên trong cuộc sống ngày một trở nên xô bồ như hiện nay. Chính ở đây, ông đã làm nên "sự kết hợp tài hoa bút pháp của nhà báo và sự tinh tường của nhà nghiên cứu văn hóa... một người uyên thâm luôn coi trọng thực chất". Một chị bán rau tần ngần không biết có nên mua cho con mình cuốn truyện cổ tích hay không vì nó có thể làm vợi đi một đầu gánh rau của chị. Rồi một anh đạp xích-lô, chị bán cam, anh thợ cắt tóc, cô bé hướng dẫn viên... chỉ với vài nét chấm phá hoặc dăm ba câu thoại ông đã dựng nên chân dung rõ nét của những người bình thường mà rất Hà Nội, khiến ta bỗng rưng rưng nhớ về một thời đã qua và cả những gì đang diễn ra hôm nay, hằng ngày, buộc người đọc phải dừng lại nghĩ ngợi. Hình như ông muốn nói với chúng ta rằng, nhân dân vừa lớn lao, vừa giản dị; vừa bình thường, vừa sâu sắc và trong mọi tình huống, ý dân, lòng dân luôn đúng.
Ở tuổi ngoài 80, tuy gặp khó khăn về mắt nhưng giáo sư vẫn bền bỉ đọc, nghiên cứu và ra sách đều. Một tấm gương lao động và làm nghề thật đáng ngưỡng mộ của một nhà văn - nhà giáo, đáng để những người viết trẻ noi theo.
VIỆT KHÔI
Nguồn: Báo nhân dân
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian
Nói đến Nguyễn Du, trước hết chúng ta nói đến những sáng tác ghi lại suy tư, cảm xúc cá nhân của ông, đó là thơ chữ Hán. Trong ba tập thơ chữ Hán để lại: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục, tập thơ nào cũng hay, cũng mang dấu ấn cá nhân rất rõ, nhưng trong...