Dòng tộc Nguyễn Du và mối nhân duyên xứ Bắc
HNTĐ
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) là con trai thứ bảy của quan Tể tướng- Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ đẻ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ ba của Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) là con trai thứ bảy của quan Tể tướng- Đại tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Mẹ đẻ của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, vợ ba của Nguyễn Nghiễm. Bà là con gái thứ ba của Trần Ôn, một vị quan dưới quyền Nguyễn Nghiễm, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Từ mối nhân duyên này, dòng tộc Nguyễn Du có 7 mối nhân duyên với người Kinh Bắc, trong đó 3 bà phu nhân, 2 nàng dâu, 2 chàng rể.
Đại thi hào Nguyễn Du là hậu duệ thứ 9 của một “danh gia, vọng tộc”. Cụ tổ là Trạng nguyên Nguyễn Thiến, quê xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai (Hà Tây), cháu nội Nam Dương Hầu Nguyễn Nhiệm, thời Lê Trung Hưng có dự mưu phục lại nhà Mạc, bị thua trận phải giấu tung tích, về sinh cơ lập nghiệp tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, trở thành người khai sáng ra dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền. Thân phụ Nguyễn Du là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775) và bác ruột là bác sĩ Nguyễn Huệ.
Nhà thờ họ Trần (quê ngoại Nguyễn Du) tại thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Nghiễm làm quan thời Vua Lê – Chúa Trịnh, lên tới chức Tể tướng, Đại Tư đồ, tước xuân Quận công. Ông có bà chính thất và á thất là hai chị em ruột Đặng Thị Dương và Đặng Thị Thuyết (cùng quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mà vẫn đem lòng yêu thương và cưới bà Trần Thị Tần (1740-1778) làm trắc thất (vợ ba), người xã Hoa Thiều (tên Nôm là làng Mấc, nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Ông bà sinh hạ được 4 người con trai, trong đó con trai thứ hai là Nguyễn Nễ (1761-1805) ba lần đỗ đầu ở các kỳ: Khảo khóa ở Quốc Tử Giám, kỳ hạch ở huyện Thọ Xương, kỳ thi ở phủ Phụng Thiên, được người đương thời ngợi ca “Danh ư kinh quốc liên tam tiệp, khoán tại gia đình hựu nhất tân” (nổi tiếng ở kinh đô với ba lần đỗ đầu, nếp nhà nay lại một lần đổi mới), thi hương đậu Tứ trường (cử nhân), thời Tây Sơn được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, hai lần được Vua Càn Long và Gia Khánh khen thưởng về văn tài.
Người con thứ ba là Nguyễn Du (1765-1820), sinh tại quê ngoại (làng Kim Thiều, xã Hương Mạc) và sống những năm tháng tuổi thơ ở đây. Đến năm 6 tuổi mới về Bích Câu (Thăng Long).
Quê ngoại Nguyễn Du là một làng nghề chạm khắc gỗ tài hoa, nhiều danh sĩ khoa bảng nối đời phụng sự quốc gia, toàn xã có 22 tiến sĩ kể từ đời nhà Trần đến thời nhà Nguyễn, theo tộc phả họ Trần, có ông Trần Phi Nhỡn từng là Thượng thư bộ Hộ, với tước hiệu Đông các Điện học sĩ, Nhập thị Kinh Điện (vào cung dạy vua). Đó là tổ ngoại của đại thi hào Nguyễn Du, nơi đây cũng là quê hương Lễ bộ thượng thư Đàm Thận Huy, hiệu định miếu húy và ngự danh. Dòng dõi “Danh gia vọng tộc” Tiên Điền hòa quyện với trầm tích một vùng văn hiến xứ Bắc – nơi ông chào đời và gắn bó suốt thời thơ ấu đã hội tụ, kết tinh tạo nên một đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, một danh nhân văn hóa thế giới!
Ông đỗ Tam trường lúc 19 tuổi, được bổ làm Chánh Thư hiệu ở Thái Nguyên năm 1784. Một năm sau thì về quê vợ ở Thái Bình. Quá 30 tuổi, Nguyễn Du mới ra làm tri huyện ở tỉnh Thái Bình. Rồi thăng tri phủ Thường Tín (Hà Đông), sau được giữ chức Đông tri viện học sĩ, được bổ Cai bạ Quảng Bình (1802-1812). Năm 1813 được phong Cần Chánh điện học sĩ, được cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Cuộc đi sứ này đã giúp ông sưu tập nhiều tài liệu để sáng tác, trong đó có Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm…
Ông có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tác, trong đó Truyện Kiều là một tuyệt tác bất hủ. Năm 1820, khi ông chuẩn bị đi sứ Trung Quốc thì mắc bệnh đại dịch, mất đột ngột ở tuổi 55.
Người con trai út là Nguyễn Ức (1767-1823) lấy vợ người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông có tài về xây dựng, được cử làm Thiêm sự bộ Công, tước Sóc nhạc hầu, giữ chức Giám đốc coi việc ở Nội tạo phủ, các miếu điện ở kinh thành Huế đều do ông thiết kế và trông nom xây cất.
Có lẽ vì cảm phục tài sắc của người con gái xứ Bắc, nên Tể tướng Nguyễn Nghiễm cưới thêm các bà Nguyễn Thị Xuyên, người xã Hoàng Mai, Yên Dũng, Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang) và bà Nguyễn Thị Xuân, người Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Anh ruột cùng cha, khác mẹ với thi hào Nguyễn Du là Nguyễn Điều (1740-1786), con bà á thất Đặng Thị Thuyết, tài kiêm văn võ, được phong tước Điều lạc hầu, trấn thủ Hưng Hóa, có bà vợ hai là Nguyễn Thị Nguyện, con gái thứ tư của Đạt Võ hầu Nguyễn Gia Ngô, người xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Bà Nguyễn Thị Nguyện lại chính là em gái của danh nhân Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), tác giả của Cung oán ngâm khúc. Đôi uyên ương này đã sinh ra Nguyễn Hành (1771-1824) cùng với chú ruột Nguyễn Du là hai người trong An Nam ngũ tuyệt của thi đàn lúc bấy giờ. Chị ruột thi hào Nguyễn Du là Nguyễn Thị Diên kết duyên cùng Vũ Trinh (1759-1828) một trai tài thuộc “danh gia vọng tộc” họ Vũ ở Xuân Lan, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Ông cũng là một thi nhân nổi tiếng với tập thơ Nôm Cung oán thi tròn 100 bài và tập truyện Lan trì kiến văn lục. Năm 1890 được cử đi sứ sang nhà Thanh, về nước được thăng Hình bộ Tả tham tri, Lai sơn hầu và được cùng Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành soạn Hoàng Việt luật lệ, thường gọi là Luật Gia long. Mến mộ văn tài của người anh rể nên Vũ Trinh là người đầu tiên được thi hào Nguyễn Du cho đọc và phẩm bình về Truyện Kiều.
Bà vợ thứ 6 của quan Tể tướng cũng sinh được 3 tiểu thư khuê các và đều gửi thân vào nơi lầu son, gác tía, trong đó người con út là Nguyễn Thị Ninh lại tìm về xứ Bắc, lấy chồng là Vũ Trạch, người xã Xuân Lâm, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.
***
Từ mối lương duyên sâu đậm với miền đất khoa bảng Kinh Bắc, Đại thi hào Nguyễn Du và gia tộc của ông đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa trên quê hương quan họ. Nhiều di tích lịch sử liên quan đến Nguyễn Du và gia tộc, đến Truyện Kiều hiện đang được chính quyền và nhân dân Bắc Ninh quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị. Điển hình là nhà thờ họ Trần thôn Kim Thiều với các kiến trúc thờ tự được xây theo kiểu “Nội tự, ngoại khách”. Tài liệu quý còn lưu giữ ở đây là cuốn gia phả bằng chữ Hán cùng nhiều câu đối ca ngợi truyền thống khoa bảng và gia phong của dòng tộc Trần gia. Nhà thờ gia tộc họ Trần làng Kim Thiều đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.
Ngôi nhà cổ ở thôn Hưng Phúc, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn được xem là nhà thờ chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Bắc Ninh. Chính Nguyễn Trừ – con trai Tể tướng Nguyễn Nghiễm, anh trai khác mẹ với Nguyễn Du đã lập ra chi họ Nguyễn Tiên Điền trên quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nhà thờ xưa còn bức hoành phi với 4 chữ “Dịch thế thư hương” – nghĩa là: Đời đời vinh quang nhờ văn chương sách vở. Đặc biệt, tại nhà thờ gia tộc còn lưu giữ được bản Kiều nôm khắc vào cuối đời Thiệu Trị, đầu thời Vua Tự Đức là một trong những bản Kiều nôm cổ nhất hiện nay. Ở thôn Hưng Phúc, cùng với nhà thờ họ còn có di tích mộ tổ họ Nguyễn.
Tại Bắc Ninh còn có nhà thờ gia tộc họ Vũ ở Ngọc Quan, Lâm Thao, Lương Tài. Đây là dòng họ của Vũ Trinh – chồng bà Nguyễn Thị Diên là chị ruột của Đại thi hào Nguyễn Du. Vũ Trinh là thi nhân nổi tiếng với tập Cung oán thi trên 100 bài, cũng là tác giả của bộ Luật Gia Long, ông là người đầu tiên được Nguyễn Du nhờ đọc và bình phẩm kiệt tác Truyện Kiều. Một di tích liên quan nữa là nhà thờ họ Nguyễn Gia ở làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, Thuận Thành. Đó là dòng họ của bà Nguyễn Thị Nguyện là vợ của Nguyễn Điều – anh ruột Nguyễn Du.
Ngoài những di sản văn hóa vật thể kể trên, Kinh Bắc – Bắc Ninh còn bảo tồn và phát huy Truyện Kiều với nhiều hình thức phong phú và độc đáo. Các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ đã sáng tác những bộ tranh Truyện Kiều bằng nghệ thuật hội họa dân gian độc đáo của vùng Kinh Bắc. Các nghệ nhân dân ca quan họ, trống quân thì vận dụng câu thơ, ý thơ trong Truyện Kiều để sáng tác thành những làn điệu quan họ, các bài hát trống quân… Hàng chục bản Kiều nôm cổ được giới nghiên cứu Bắc Ninh sưu tầm, khảo cứu và phổ biến trong cộng đồng.
Trong dịp kỷ niệm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo, góp phần phát huy các giá trị của di tích, di vật liên quan đến Nguyễn Du và tôn vinh giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn
CÙNG CHUYÊN MỤC
-
Tầm vóc Đại thi hào Nguyễn Du
Nguyễn Du đã trở thành một đỉnh cao đột xuất của văn chương Việt. Nói Nguyễn Du, qua Truyện Kiều là nói một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và rộng lớn gắn với một tư duy nghệ thuật vượt tầm thời đại. Truyện Kiều có sức sống vượt thời gian, bởi đó là sự kết nối và đưa lên đỉnh cao tuyệt... -
Nguyễn Du và những giá trị vượt thời gian
Tưởng nhớ đến đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta tưởng nhớ một trong những người Việt Nam vĩ đại nhất của dân tộc. Đó là một con người được sinh ra như sự chung đúc của non sông đất nước, của nền văn hóa sâu sắc và phong phú của chúng ta; đồng thời cũng là một con người góp phần làm... -
Nguyễn Du: Một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn
Sinh thời Nguyễn Du từng tự hỏi không biết ba trăm năm sau có ai người tri kỷ vì mình mà nhỏ nước mắt không. Từ đó đến nay chưa đến ba trăm năm. Nhưng những người có thể gọi là tri kỷ của nhà thơ, những người hiếu rõ những đau xót, căm giận, ước mơ và cả những băn khoăn bế tắc của... -
Ảnh hưởng của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều Đối với Đại thi hào Nguyễn Du
Tại làng Xuân Trì, tổng Yên Ấp xưa, nay là xóm Quán, xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh là nơi còn lưu giữ Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Điền nhạc hầu Nguyễn Điều – Người đã có ảnh hưởng lớn đến nhân cách đối với Đại thi hào Nguyễn Du.