Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

HNTĐ

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc, Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn” - Đó là lời thơ của Chế Lan Viên, mà mỗi lần đọc lên ta cảm thấy tự hào dân tộc.

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu viết về Nguyễn Du, kể cả trong và ngoài nước, một khối lượng thông tin và kiến thức đồ sộ về ông đã được in ra trên sách báo. Tôi không thể viết gì hơn, không dám “múa rìu” trước mắt thợ, mà chỉ là một khoảnh khắc bất chợt, cảm hứng, khi được về thăm quê hương ông.

Hầu như tất cả mọi người, với cuộc đời và số phận khác nhau, cuối cùng đều chết. Chỉ có một số rất ít người, rất cá biệt, còn sống lâu dài, thậm chí là sống mãi với dân tộc, với hậu thế. Trong số ít ỏi ấy có Đại thi hào Nguyễn Du.

Không phải cái chết là xấu, mà cũng là cái đương nhiên, cái cần thiết. Nếu không có cái chết thì cuộc sống cũng chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Và còn quy luật của tự nhiên nữa, mà cuộc sống bắt buộc phải có giới hạn, thậm chí là rất ngắn ngủi, rất thoáng qua so với lịch sử. Nhưng trong cuộc đời vẫn có những cách sống làm người ta không chết và có những cái chết làm người ta sống mãi. Con người chỉ có thể còn sống lâu dài với hậu thế bằng những giá trị văn hóa lớn lao do họ sáng tạo ra trong cuộc đời. Vậy thôi! Còn thân xác và tài sản, khi thời gian đi qua sẽ chẳng còn gì nữa, hoặc biến thành tro bụi.

Nguyễn Du đã từng làm quan, thời gian không ngắn, chức quan khá lớn, nhưng cái làm ông sống mãi không phải là chức quan, thậm chí mọi người đã quên lâu rồi, ít ai nhắc đến. Ông sống mãi bằng những giá trị văn hóa thật lớn lao để lại cho đời. Vậy thì chức quan to có nghĩa gì đâu? Quan trọng là làm ra được cái gì để lại cho cuộc đời. Trong lịch sử dân tộc từ trước tới nay không ít người đã làm quan lớn, thậm chí là rất lớn, cả vua nữa, nhưng họ đã chết lâu rồi, không còn để lại gì cả, kể cả họ “chết” khi còn đang làm quan, còn đang sống, còn ngồi ở một ghế cao mà nhiều người mơ ước, thậm chí không ít người để lại tiếng xấu cho người đời mỉa mai, khinh rẻ.


Ngoài những giá trị của ngôn từ và giá trị nhân bản khi ông kể lại bằng thơ những cuộc đời, những số phận khổ đau bị chà đạp trong một xã hội nhiều bất công; những nhân vật góc cạnh, điển hình, cá tính và bản chất, kể cả nhân văn và xấu xa, bẩn thỉu…, ông còn lên án mạnh mẽ thói tham nhũng, hối lộ trong bộ máy quản lý xã hội ngày đó:

“Tính bài lót đó, luồn đây,

Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”…

“Trong tay đã sẵn đồng tiền,

Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”…

Hoặc: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong!”…

Việc Nguyễn Du lên án một xã hội, một bộ máy công quyền đã để cho đồng tiền khuynh đảo, “đổi trắng thay đen”, còn nói lên một điều nữa: Văn hóa của dân tộc ta, hồn đất nước thời nào cũng vậy, không bao giờ chấp nhận thói hư do lòng tham, để đồng tiền mua bán cả lương tâm, gây đau khổ cho những con người lương thiện.

Sự phê phán ấy, bóc trần bản chất của một bộ máy hư hỏng là sự dũng cảm, là tính chiến đấu để trừ gian và tải đạo, như cách nói của Nguyễn Đình Chiểu “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vậy là, từ xưa kia, thực tế đã cho thấy, quyền lực sẽ bị tha hóa khi không được kiểm soát hoặc trao vào tay những kẻ bất lương. Nguyễn Du nói chuyện ngày xưa mà cứ như ông đã dự báo cho cả sau này, sau cái thời ông đã sống.

Chẳng những là một nhà văn hóa xuất sắc, một đại thi hào như chúng ta đã biết, ông còn là một nhà tư tưởng với nhiều triết lý để đời. Trong Kiều có lời thơ ông viết “Mà trong lẽ phải có người, có ta” - lời ấy ông nói trong đoạn đối thoại giữa Kim Trọng và Kiều, nhưng theo cách nghĩ của tôi, đó là một tư tưởng lớn. Những năm gần đây ta đã nói, đã thừa nhận tính tất yếu và sự cần thiết của đa dạng văn hóa. Tính đa dạng trong văn hóa thật hết sức cần cho sự phát triển bền vững của xã hội, giống như sự đa dạng sinh học cần cho thế giới tự nhiện. Không có sự đa dạng ấy thì cuộc sống sẽ cằn cỗi, xã hội và thế giới tự nhiên không còn sức sống, mất động lực để phát triển lâu bền. Chỉ trên nền tảng của sự đa dạng ấy mới tạo nên thống nhất. Đó mới là sự thống nhất thật sự và bền vững. Không chấp nhận đa dạng thì không có sự thống nhất hoặc có chăng chỉ là hình thức, bề ngoài, tạm thời, giả tạo. Nghị quyết của Trung ương về văn hóa mới đây đã ghi nhận sự thống nhất trong đa dạng ấy. Sự đa dạng làm nẩy mầm sáng tạo, từ đó mà tạo ra sức sống, sức phát triển của một dân tộc quốc gia. Và sự đa dạng, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng đối thoại, cùng trao đổi, tranh luận chính là con đường duy nhất để tiếp cận chân lý khách quan, lựa chọn cái đúng, điều chỉnh cái chưa đúng, hoàn thiện cái chưa hoàn thiện. Đó là con đường phát triển tư duy của dân tộc. Mà như chúng ta đã biết, sức mạnh của một dân tộc, của cả loài người, chủ yếu là sức mạnh của trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mà con người đã thành chúa tể của muôn loài. Nếu không phát triển trí tuệ mà chỉ có cơ bắp thì ngày nay, thế giới này, chắc sẽ do các loài khủng long, voi và các loài thú khổng lồ khác đang trị vì.

“Mà trong lẽ phải có người, có ta” - Không ai độc quyền chân lý, đó cũng là mục tiêu tự do, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Tự do cũng là mục tiêu hàng đầu của CNXH. C.Mác đã nói như thế, ông đã nhấn mạnh tự do và phát triển của con người, tự do của mỗi người là điều kiện để có tự do cho mọi người.

Trong một xã hội phong kiến phương Đông, ý vua là ý trời, vua nói phải là phải, vua nói sai là sai, cãi lại vua là phạm thượng, có thể bị tội chết. Vậy mà Nguyễn Du lại dám nói lời ấy, và còn những điều khác trái với tư tưởng phong kiến thời bấy giờ nữa, quả là bản lĩnh. Vậy là ông đã tham gia tích cực cho cuộc đổi mới tư duy của dân tộc từ cách đây hơn hai thế kỷ.

 Không biết có phải Nguyễn Du đã nghĩ như thế, như tôi viết không, nhưng tôi cứ nghĩ vậy, còn bởi một lẽ nữa là mong muốn có ông đồng hành cùng chúng ta trong công cuộc đổi mới hôm nay và sắp tới.

Vũ Ngọc Hoàng 
Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng,
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

CÙNG CHUYÊN MỤC

Cuộc đời - sự nghiệp

Tư liệu lịch sử

Nghiên cứu, thảo luận